Friday, December 19, 2008

Hệ thống đảng phái chính trị: lý luận chung


Một số vấn đề lý luận chung về hệ thống đảng phái chính trị: Một cách nhìn trong bối cảnh Đông Nam Á (trích)


Đảng phái, cùng với nhà nước, là những thiết chế trung tâm của hệ thống chính trị. Cho dù còn nhiều hạn chế, nhưng các đảng phái chính trị đóng vai trò cốt yếu cho sự vận hành của xã hội hiện đại. Đảng phái là thiết chế duy nhất qua đó, những quan điểm, thái độ và tình cảm của người dân được chuyển tải tới những bộ phận có quyền ra quyết định và cũng chính qua hệ thống này, các nhà lãnh đạo tiềm năng được đề cử để rồi được bổ nhiệm chính thức. Trên thực tế, đảng phái chính trị ở các xã hội tư sản có ba chức năng chính: thứ nhất, tạo mối kết nối thường xuyên giữa công dân với chính phủ (nhà nước); thứ hai, đề ra các chính sách phản ánh nguyện vọng của cử tri để nhà nước triển khai; và thứ ba, đảng chính trị là các phương tiện để chính trị gia được lựa chọn, bổ nhiệm vào các cơ quan chính quyền.


Các đảng chính trị do đó là cầu nối hữu dụng nhất giữa nhà nước và nhân dân. Nhưng để hoàn thành chức năng đó, đảng phái chính trị không chỉ dựa vào cấu trúc nội tại của mỗi đảng mà còn phụ thuộc vào mô hình của cả hệ thống đảng phái chính trị. Một đảng chính trị thường được xem xét dưới hai phương diện: thứ nhất, đảng đó chỉ thực sự mang tính đại diện, nếu nó bám rễ sâu vào mọi tầng lớp dân cư; tức không chỉ tập trung hoạt động trong khuôn khổ các thành phố lớn. Thứ hai, để có thể tác động đến đời sống chính trị, mà không đơn thuần là các tổ chức để tranh luận (debating societies), các đảng chính trị phải trở thành một phần của “hệ thống”. ở các xã hội tư sản, các đảng trong một hệ thống vừa có tác động tương hỗ vừa bảo đảm tính độc lập; ngoài ra, số lượng các đảng không quá nhiều để đảm bảo hệ thống vận hành có hiệu quả trong việc đưa ra quyết định (Blondel, 1995).


Trong khi đặc điểm chung thứ nhất, liên quan đến cấu trúc của một đảng, cần phải được xem xét trong phạm vi hệ thống chính trị mà nó tồn tại và vận động; thì đặc điểm thứ hai, tức hệ thống bao gồm một số lượng đảng phái độc lập với nhau, chỉ tồn tại khi những đảng đó được hoạt động tự do, nhất là trong các cuộc bầu cử. Do đó cần thiết phải có một khung pháp lý xác lập các quyền tự do, theo đó buộc nhà nước phải đảm bảo thi hành trên thực tế. Về phía mình, các đảng chính trị trực tiếp góp phần xây dựng các chế định pháp luật đảm bảo quyền tự do và đồng thời tuân thủ nghiêm túc khung pháp lý này trong quá trình hoạt động. Đây thực chất là một mối quan hệ tương hỗ.


Vì vậy, khi nghiên cứu hệ thống chính trị ở năm nước Đông Nam á này, trước hết, chúng tôi phải tập trung tìm hiểu khung pháp lý và điều kiện thực tiễn có cho phép hệ thống đảng phái chính trị ở mỗi nước hoạt động tự do và hiệu quả hay không? thứ hai, các đảng có được tổ chức để thực sự là công cụ đại diện cho ý chí của đa số quần chúng? thứ ba, liệu các đảng phái có tồn tại độc lập và giữa các chúng có tạo thành một hệ thống đảng phái, trong đó có số lượng vừa đủ để có thể tác động hiệu quả đến quá trình ra quyết định hay không?

Khung pháp lý và thực tiễn chính trị


Để có thể hoạt động tự do và độc lập, các đảng chính trị phải vận hành trong một môi trường mà các đảng đó được công nhận, đồng thời được tự do tiến hành các hoạt động theo như mong muốn của mỗi đảng ở mọi thời điểm, không chỉ giới hạn trong thời gian tổ chức bầu cử. Hệ thống chính trị do đó cần đảm bảo cho các đảng phái có được cơ hội bình đẳng tương đối. Những yếu tố để đảm bảo điều đó là: khung pháp lý, hệ thống bầu cử và vai trò của truyền thông.


- Khung pháp lý: Khung pháp lý có tác động trực tiếp đối với sự phát triển của các đảng chính trị. Trong số các văn bản quy phạm pháp luật thì hiến pháp (có hiệu lực) đóng vai trò kiến tạo cơ sở pháp lý cơ bản và tối cao cho hệ thống đảng phái chính trị. Do đó hiến pháp có tác động to lớn đến các đảng phái chính trị.


Trước hết, hầu như mọi hiến pháp đều quy định trước tiên mối quan hệ giữa nhánh lập pháp và hành pháp (quy định mô hình chính thể). Mối quan hệ được hiến pháp xác lập này ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc và hoạt động của các đảng phái chính trị.


ở chế độ tổng thống, do sự phân quyền tương đối triệt để, nên dường như sự cố kết của các đảng chính trị lỏng lẻo hơn ở các nước theo chế độ đại nghị. Trong chế độ này, hoạt động của nhánh hành pháp (tổng thống) ít bị ràng buộc bởi phe đa số trong cơ quan lập pháp. Do đó, tổng thống ít phải tham khảo ý kiến của các thành viên khác trong đảng của mình trước khi ra một quyết định theo thẩm quyền. Nội bộ đảng chính trị ở các nước theo mô hình tổng thống còn bị chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái ủng hộ các ứng cử viên khác nhau trong cuộc bầu chọn ứng cử viên đại diện cho đảng tranh cử tổng thống.


Ngược lại, ở chế độ đại nghị, nội các được thành lập bởi một đảng, hoặc liên minh chiếm đa số trong cơ quan lập pháp, nên hầu hết mọi quyết định của nhánh hành pháp đều cần sự đồng thuận của các thành viên nhóm đa số này. Về phía nghị viện/quốc hội, các nghị sĩ thuộc phe đa số cũng hiểu rằng lá phiếu của mình góp phần trực tiếp ủng hộ hoặc thậm chí đánh đổ chính phủ. Vì vậy, sự cố kết và đồng thuận trong nội bộ đảng ở các nước theo mô hình đại nghị sẽ cao hơn. Tuy nhiên, ở một số nước Mỹ La tinh đặc điểm này không hoàn toàn chuẩn xác.


ở khía cạnh khác, cấu trúc lãnh thổ, cụ thể là sự phân chia quyền lực giữa chính phủ trung ương và các địa phương được xác lập trong hiến pháp cũng có tác động to lớn đến các đảng phái chính trị. Nói cách khác, sự tản quyền không chỉ là một phương thức quản lý hành chính, mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa chính trị, và cho dù không quyết định, nhưng nó có tác động ở mức độ không nhỏ đến các đảng phái. Điều này tồn tại trên thực tế, bởi vì những chức danh cao nhất của chính quyền địa phương ở những quốc gia tản quyền đều được lựa chọn thông qua bầu cử và các cơ quan đó đóng vai trò rất lớn đối với những vấn đề của địa phương. ở nhiều nước có cấu trúc lãnh thổ liên bang, tính phân quyền cao hơn, vai trò của một đảng ở bang/tỉnh này có thể không như ở các bang còn lại; thậm chí có những đảng chỉ hoạt động giới hạn ở một số bang trong nước.


- ảnh hưởng của hệ thống bầu cử: Nhìn chung, chỉ có một số ít hiến pháp quy định những đặc điểm cơ bản của hệ thống bầu cử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống bầu cử có tác động mạnh mẽ đến cấu trúc và sức mạnh của mỗi đảng phái nói riêng và của cả hệ thống đảng phái nói chung. Hành động chủ ý thường là việc đối xử không công bằng đối với một số đảng phái nhất định, nhất là các đảng đối lập. Biểu hiện cụ thể của sự phân biệt này có thể là sự lạm quyền trong quá trình xây dựng danh sách bầu cử hoặc gây khó khăn cho các hoạt động của đảng, đặc biệt là trong chiến dịch vận động bầu cử. Đây chính là biểu hiện thường gặp ở Singapo và Malaixia. Những hành động kiểu này góp phần hạn chế các đảng chính trị phát triển các cơ cấu đại diện thực thụ và làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi cho các đảng tham gia chính phủ.


Tuy nhiên, có một thực tế mà một số đảng chính trị, không nhất thiết phải là các đảng cầm quyền, vẫn có thể lợi dụng để trục lợi bất hợp pháp: từ việc mua phiếu bầu đến việc dàn xếp cho những nhóm ứng cử viên nhất định tham gia tranh cử ở những đơn vị bầu cử có số lượng cử tri ủng hộ cao, v.v. Cho dù những hành động này có được phát hiện hay không, thì việc tình trạng gian lận phổ biến ở nhiều nước đã làm suy giảm lòng tin của cử tri vào vai trò của các đảng chính trị. Hơn nữa, hành vi gian lận còn có xu hướng làm giảm khả năng thể chế hoá các đảng chính trị, hơn nữa khiến đảng phái trở nên phụ thuộc vào vào một số cá nhân, nhất là những tài phiệt muốn sử dụng đồng tiền để khuynh khoát chính trị vì mục đích riêng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi gian lận bầu cử trở thành một thực tế khá phổ biến ở nhiều nước, trong đó có các nước Đông Nam á (Taylor 1996). Tuy vậy, ngay cả trong trường hợp lý tưởng là có thể loại bỏ những hiện tượng tiêu cực hay bị phân biệt đối xử thì các đảng phái vẫn không hi vọng có thể tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước. Vì vậy, ở nhiều quốc gia, nhất là các nước phương Tây, nhà nước phải có các biện pháp nhằm làm giảm sự bất bình đẳng, thông qua chính sách trợ cấp kinh phí từ ngân sách quốc gia cho các đảng chính trị trên cơ sở kết quả bầu cử đạt được của mỗi đảng.


Những thực tế trên tất nhiên không chỉ tác động đến cấu trúc của đảng mà còn ảnh hưởng đến cả hệ thống đảng phái chính trị. Một hệ thống đảng phái sẽ chịu tác động trực tiếp từ cơ chế của hệ thống bầu cử, tiêu biểu nhất là phương thức phân bổ ghế trong nghị viện và trình tự bầu tổng thống. Theo đó, chế độ bầu cử đa số tương đối (the first past the post), tức người giành nhiều phiếu nhất trong một đơn vị bầu cử sẽ thắng cử, đôi khi dẫn tới việc đảng thắng cử không đại diện cho đa số nguyện vọng của cử tri. Và như vậy cơ chế này khác với phương pháp tỷ lệ (proportional representation). Do đó, phương thức phân bổ ghế trong nghị viện và trình tự bầu tổng thống một mặt tác động đến hành vi bầu cử của cử tri (bởi vì về cơ bản họ nhận thức được những tác động của chế độ bầu cử đến kết quả bầu cử thông qua hành động bầu cử cụ thể của mỗi cử tri), mặt khác ảnh hưởng đến chiến lược phân bổ ứng cử viên của các đảng tuỳ thuộc vào các đặc điểm của chế độ bầu cử. Khi các chính phủ nhận thức được điều này, họ sẽ bằng nhiều cách đảm bảo một cơ chế phân bổ ghế có lợi nhất cho đảng cầm quyền. Việc Malaysia và Singapo duy trì phương pháp bầu cử đa số tương đối có thể là cách giúp cho đảng, hoặc liên minh cầm quyền đảm bảo một đa số lớn hơn nhiều trong trường hợp áp dụng phương pháp tỷ lệ (PR).

Khi nói đến môi trường hoạt động của hệ thống đảng phái chính trị, không thể không nhắc đến vai trò to lớn của giới truyền thông. Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng, tính công bằng và đặc biệt là mức độ phụ thuộc của giới truyền thông trong từng bối cảnh cụ thể còn là những chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Các hình thức cấu trúc của đảng phái chính trị


Môi trường bên ngoài, gồm khung pháp lý, chế độ bầu cử và hoạt động của giới truyền thông là điều kiện tiên quyết cho các đảng chính trị phát triển, nhưng chưa phải là tất cả. Có nhiều ví dụ sống động cho thấy, ở nhiều nơi, tuy môi trường khá tốt, nhưng các đảng chính trị vẫn còn chưa đủ mạnh, thậm chí được coi là còn trong thời kỳ mới phôi thai như ở Brazil, hay ngay cả ở Mỹ đảng chính trị chỉ như những “chiếc thùng rỗng”. Về cơ bản, người ta có thể chia các đảng phái chính trị căn cứ vào cấu trúc của chúng.

- Đảng đại chúng (mass parties) và đảng “quý tộc” (parrties of “notables”)


Nói chung, các đảng chính trị sẽ trở nên mạnh hơn nếu chúng có mối quan hệ vững chắc với cử tri ngay từ các đơn vị bầu cử. Đảng nào có được sự gắn bó chặt chẽ như vậy trên quy mô toàn quốc được coi là đảng đại chúng toàn quốc. Các đảng này có đặc điểm là có mạng lưới tổ chức từ trung ương bám rễ xuống các cấp địa phương. Kết cấu này của đảng đại chúng trái ngược với các đảng “nhân sĩ”, hay còn gọi là đảng “quý tộc”, tức những đảng không có tổ chức chặt chẽ, mà chủ yếu dựa vào uy tín của những nhân vật nổi tiếng ở địa phương, thường là các chủ đất, hay luật sư, bác sĩ, giáo viên... Mối quan hệ giữa những nhân sĩ này với cử tri mang tính chất của mối quan hệ thân thuộc. Đảng “quý tộc” xuất hiện trước hết ở các xã hội truyền thống châu Âu từ thế kỷ XIX, nhưng dần bị các đảng đại chúng quy mô toàn quốc lấn lướt. ở một số quốc gia Đông Nam á, như Thái Lan hay Philipin hình thức đảng “quý tộc” này vẫn còn có vai trò lớn. Các đảng cầm quyền ở Singapo và Malaixia có tổ chức chặt chẽ và có xu hướng vận động, phát triển theo mô hình của Đài Loan và Hàn Quốc đã đi qua. Trong khi đó, tương lai của đảng Golkar ở Inđônêxia càng trở nên bất định sau khi chế độ Suharto sụp đổ.

- Các nhóm xã hội và quá trình chính thống hoá của các đảng đại chúng

Để các đảng đại chúng xuất hiện và có tầm ảnh hưởng cần có hai điều kiện: thứ nhất, các đảng đó phải có sự ủng hộ của một nhóm xã hội (social cleavage) rộng lớn. Những nhóm xã hội này xuất hiện ở Tây Âu từ thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ban đầu dưới dạng các nhóm địa phương, sau đó do thay đổi về cấu trúc xã hội và ảnh hưởng của các phong trào quần chúng, nên dần xuất hiện các hình thức tổ chức xã hội khác dựa trên sắc tộc, tôn giáo hay giai cấp. Đây chính là nền tảng của các đảng đại chúng quy mô toàn quốc (Blondel 1995, 101).

Bên cạnh đó, một đảng đại chúng cần một đặc điểm thứ hai, đó là phải trung thành với các nhóm (sắc tộc, tôn giáo hay giai cấp) được xác định là nền tảng xã hội của mình, làm cho cử tri tin tưởng đảng đó thực sự là tổ chức đại diện cho ý chí và nguyện vọng của họ. Quá trình hợp pháp hoá đòi hỏi quỹ thời gian đủ lớn để giúp đảng có chỗ đứng vững chắc và vị trí độc lập khỏi chính nhóm xã hội mà từ đó nó xuất phát. Quãng thời gian đó là lúc các đảng đại chúng củng cố tổ chức, thu hút và phát triển đội ngũ đảng viên. Ngược lại, đây không phải là quy trình tất yếu của các đảng “quý tộc”, bởi chúng vẫn chủ yếu dựa vào các nhân vật địa phương nổi tiếng, những người xem nhẹ, thậm chí không muốn xây dựng bộ khung tổ chức đảng vững chãi, vì đó có thể là nguy cơ thách thức sức mạnh của họ.
- Sụt giảm ủng hộ đối với đảng đại chúng trong các xã hội công nghiệp và sự xuất hiện của các đảng “vấn đề”.

Tuy nhiên, từ thập niên 1960, xuất phát từ Mỹ, sau đó lan sang các xã hội công nghiệp khác, lòng tin đối với các đảng đại chúng bắt đầu suy giảm, đồng thời một số đảng chính trị xuất hiện mà không dựa trên một nhóm xã hội nhất định nào. Cả các đảng mới xuất hiện và các đảng đã hình thành trước đó đều bắt đầu tìm kiếm sự ủng hộ theo những vấn đề của xã hội nhằm giành sự quan tâm của một nhóm cử tri nào đó, ví dụ như các vấn đề môi trường, việc làm, v.v.. Sự thay đổi này biến đảng chính trị hoạt động như các “nhà sản xuất hàng hoá chính trị”, tương tự như các công ty sản xuất những loại sản phẩm nhất định để cung cấp cho các bộ phận khách hàng có nhu cầu về sản phẩm hành hoá, dịch vụ đó. Khi đó, cử tri sẽ lựa chọn đảng để ủng hộ tương tự như chọn các dịch vụ thương mại (Downs, 1957). Việc cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinnawatra, cựu chủ tịch đảng Thai Rak Thai (đã bị giải thể), đưa ra chủ thuyết quản lý đất nước cũng như quản lý một công ty, phải chăng có hàm ý lý thuyết này. Mặc dù vậy, việc đánh đồng hai chủ thể này (công ty và đảng chính trị) có vẻ là sai lầm, bởi vì đảng chính trị không chỉ nhằm cung cấp dịch vụ hàng hoá mà còn có nghĩa vụ quản lý quốc gia. Mặc dù vậy, việc thay đổi này làm sói mòn sự ủng hộ truyền thống cho các đảng đại chúng, khiến kết quả của các cuộc bầu cử trở nên bất định hơn, cử tri giao động và dễ dàng thay đổi sự ủng hộ giữa các đảng phái, giữa đi bầu và tẩy chay bầu cử.

- Bốn hình thức đảng chính trị và sự phát triển của các đảng chính trị ở Đông Nam á

Như đã phân tích ở trên, có ba hình thức đảng chính trị cơ bản: đảng đại chúng, xuất phát từ các nhóm xã hội như sắc tộc, tôn giáo hay giai cấp và thường có quy mô toàn quốc; đảng “quý tộc”, dựa trên mối quan hệ thân thuộc và chủ yếu mang tính địa phương; và đảng theo vấn đề, hình thành không dựa trên sự ủng hộ của các nhóm xã hội nhất định, thường có quy mô nhỏ và thường không ổn định. Từ ba hình thức trên, có thể bổ sung thêm loại hình thứ tư, nhất là ở Đông Nam á: đảng hoàn toàn được thành lập bởi một nhà lãnh đạo nổi tiếng.

Bức tranh đảng phái chính trị ở các nước Đông Nam á khá phong phú. ở Malaixia, các đảng lớn đều được hình thành trên cơ sở một nhóm sắc tộc-tôn giáo, tạo nền tảng cho quá trình dân chủ hoá xã hội có thể diễn ra. Mặt khác, ở Thái Lan và Philipin, đặc trưng nổi bật của đảng phái chính trị là các liên minh lỏng lẻo, dựa trên mối quan hệ thân thuộc; trong khi đó, tương lai của các đảng chính trị ở Singapo và Inđônêxia còn chứa đựng nhiều xáo trộn.

- Hệ tư tưởng, cương lĩnh và chính sách: các đảng “cương lĩnh” và đảng “đại diện”

Các đảng phái rất khác biệt nhau về phương pháp hoạch định chính sách. ở một thái cực, có những đảng chủ trương cải cách triệt để; nhưng ở chiều ngược lại, có không ít đảng muốn duy trì nguyên trạng; giữa hai xu hướng này là những đảng vừa triển khai chính sách vừa phải chú ý đến phản ứng bất lợi có thể xảy ra.

Như vậy, đảng phái có thể được chia thành ba nhóm lớn căn cứ vào cương lĩnh và chính sách của chúng. Những đảng có ý thức hệ rõ ràng và chủ trương triển khai ý thức hệ đó được gọi là đảng “cương lĩnh” (programmatic parrty), trên thực tế thường là các đảng đại chúng (mass party), nhất là đảng cánh tả; những đảng chỉ chủ yếu quan tâm đến lợi ích của cử tri để duy trì sự ủng hộ được gán danh hiệu đảng “đại diện” (representative parrty hay còn được gọi là “catch-all” party); và những đảng không có chính sách nào ổn định là những đảng mới thành lập (đảng “phôi thai”, hay ichoate party).

Các chương trình, chính sách của nhà nước sẽ khó đạt hiệu quả ở những quốc gia do đảng mới thành lập cầm quyền. Mặt khác, các đảng mang tính cương lĩnh cao thường được xem là quá cứng nhắc, nhất là các đảng cánh tả có tổ chức chặt chẽ(Michels, 1911/1962). Tuy vậy, các đảng cương lĩnh trong bối cảnh chủ nghĩa đa nguyên phương Tây chỉ tỏ ra cứng rắn ở vị trí đảng đối lập, nhưng khi thành đảng cầm quyền thì lại trở nên khá linh hoạt. Ngày nay trong xã hội tư sản, các đảng cương lĩnh đang chuyển theo hướng từ bỏ hệ tư tưởng chính thống và tính cứng nhắc. Trên thực tế, những đảng cương lĩnh kiểu này mang nhiều đặc điểm giống với các đảng đại diện đại chúng hơn (representative mass parrty). Các đảng đại diện đại chúng do đó linh hoạt hơn các đảng cương lĩnh đại chúng (programmatic mass parrty) và là công cụ đắc dụng cho quá trình hoạch định chính sách tại những nơi mà giới quan liêu có vị trí quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế, nhất là khu vực Đông Nam á.

Các hệ thống đảng phái

- Hai hình thức cạnh tranh của đảng phái chính trị

Để có một hệ thống đảng phái phát triển, không những mỗi đảng phái phải thực sự mạnh và sinh động mà chúng phải cùng tạo thành một hệ thống, trong đó không có đảng nào trở nên quá mạnh khiến cho các đảng khác bị biến thành vệ tinh hay bị gạt ra bên lề. Hơn nữa hệ thống phải tạo ra sự môi trường cạnh tranh thực thụ. Sự cạnh tranh diễn ra theo hai thái cực: Thứ nhất, dưới hình thức cuộc chiến thực thụ giữa các “kẻ thù”, khi đảng chính trị gắn chặt với các nhóm xã hội nơi chúng hình thành và không có ý định thu hút sự ủng hộ của cử tri thuộc các nhóm xã hội khác. Như vậy, các đảng sắc tộc hay tôn giáo có thể chỉ thuần tuý như là những công cụ của các nhóm sắc tộc, tôn giáo.

ở thái cực khác, cuộc cạnh tranh diễn ra theo hình thức các doanh nghiệp bán hàng hoá, dịch vụ. Nói cách khác, mỗi đảng phái đều nhắm vào số cử tri mới bằng việc đưa ra các chương trình, chính sách nhằm giành về phía mình những người vốn trước kia thuộc phe đối lập. Trên thực tế, hầu hết các đảng đại chúng đều đi theo con đường trung dung: vừa giữ chân được những người ủng hộ truyền thống vừa khai thác được địa hạt của những đối thủ cạnh tranh. Như vậy, đối với cử tri, bên cạnh việc trung thành với nhóm của mình thì những vấn đề các đảng đưa ra tranh cử cũng là một sự lựa chọn cho họ.

Quá trình cử tri thay đổi truyền thống ủng hộ cho đảng đại chúng từ sự trung thành với đảng đơn thuần, sang việc vừa kết hợp giữa sự gắn bó vốn đồng thời cân nhắc các chiến lược do đảng đưa ra là một bước phát triển, đảm bảo cho một hệ thống đảng phái ổn định và hoạt động có hiệu quả. Thiếu lòng trung thành của các nhóm cử tri, hoặc của các thành viên thì đảng phái dễ có nguy cơ bị phân tán. Ngược lại, nếu các đảng chính trị chỉ gắn chặt với một nhóm xã hội, hoặc mang tính địa phương thì sẽ diễn ra tình trạng căng thẳng giữa các đảng phái và hậu quả là chính phủ dân cử trở nên mỏng manh, dễ sụp đổ.

Vì vậy, một hệ thống đảng phái vững mạnh cần thiết phải thực hiện bước chuyển từ hình thức đảng chính trị chỉ gắn chặt với các tổ chức xã hội nhất định, sang mô hình có sự cân bằng hơn giữa hai cán cân, một bên là cơ sở xã hội và một bên là các vấn đề. Quá trình này đi qua hai giai đoạn. Bước thứ nhất, đảng chính trị được thành lập trên cơ sở các nhóm xã hội rộng lớn, giúp tạo nền tảng ổn định cho đảng trong mối quan hệ với các đảng khác. Sau đó sang bước tiếp theo, mối liên hệ giữa đảng và các nhóm xã hội phải được nới rộng cho phép sự cạnh tranh thực thụ giữa các đảng diễn ra, khi đó mỗi đảng đều cố gắng giành lá phiếu của những cử tri ôn hoà, những người không còn hoàn toàn trung thành một cách vô điều kiện với nhóm xã hội của họ. Bên cạnh đó, bước chuyển từ bước 1 sang bước thứ hai không quá chậm, khiến các đảng khó có thể tác ra khỏi quỹ đạo cũ, nhưng cũng không quá nhanh làm cho đảng mất nền tảng ủng hộ xã hội.

- Các hình thức đảng phái chính trị:

Hệ thống đảng phái chính trị do đó phụ thuộc vào bản chất và sức mạnh của các nhóm xã hội trong một quốc gia, cũng như vào cơ cấu, quan điểm cương lĩnh... của mỗi đảng trong hệ thống. Về phần mình, các hệ thống đảng phái chính trị cũng khác biệt rất nhiều cả về số lượng lẫn nền tảng ủng hộ xã hội của các tổ chức thành viên có ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách của đất nước.

Nếu xét về số lượng và quy mô tương đối của đảng chính trị, có thể chia các hệ thống đảng chính trị ở những nước đa đảng phương Tây thành bốn hình thức như sau: hệ thống hai đảng, hệ thống hai đảng rưỡi, hệ thống đa đảng với một đảng chi phối, và hệ thống đa đảng không có đảng nào chi phối. ở hình thức thứ nhất, hai đảng ngang sức ngang tài chi phối bối cảnh chính trị. Hình thức thứ hai bao gồm hai đảng lớn và một đảng thứ ba nhỏ hơn nhiều giữ thế cân bằng. Hình thức thứ ba bao gồm 4-5 đảng lớn, nhưng có một đảng nổi lên, có sức mạnh tương đương tất cả các đảng khác cộng lại. Cuối cùng là mô hình mà tất cả các đảng phái đều có quy mô xấp xỉ nhau. Cách phân loại này xuất phát từ mô hình đảng chính trị các nước phương Tây, nhưng hiện nay đang có xu hướng phù hợp với nhiều khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Israel và hầu hết các nước thuộc khối thịnh vượng chung Anh quốc và các nước Mỹ La tinh (Blondel 1968; Blondel 1995, 170–72; Sartori 1976). Tuy nhiên, ở nhiều nước còn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống đảng phái chính trị thì thường có một đảng nổi lên, biến các đảng còn lại trở thành vệ tinh của mình. Trong bối cảnh Đông Nam á, các hệ thống đảng phái chính trị vẫn còn đang ở giai đoạn chưa định hình ổn định, cơ hội thắng cử luôn bấp bênh, nhất là ở Thái Lan và Philipin. ở hai nước này, hầu hết các đảng chính trị không có nền tảng ủng hộ xã hội rộng lớn trên quy mô toàn quốc và mối ràng buộc giữa một số đảng với cử tri thường theo chủ nghĩa thân tín và mang tính địa phương.

- Đấu tranh và hợp tác của các hệ thống đảng chính trị:

Xuất phát từ bản chất của chính trị, các đảng chính trị trong một hệ thống về cơ bản luôn duy trì xu hướng cạnh tranh với nhau. Đây là mô hình tiêu biểu của các nước Anglo-Saxon. Do đó, mối quan hệ giữa các đảng trong mô hình này là đối đầu (adversarial).

Bên cạnh đó, còn có một mô hình không dựa trên sự cạnh tranh, mà trên sự liên kết, hay “thoả hiệp” (accommodation) (Lijphart 1977). Thay vì cạnh tranh như các doanh nghiệp trên thị trường, các đảng phái quyết định cộng tác với nhau. Khi lãnh đạo của các nhóm xã hội cơ bản nhận ra rằng không ai trong số họ có thể giành chiến thắng, hoặc nếu cố gắng để chiến thắng bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính thể vì sự khác biệt quá sâu sắc giữa các nhóm xã hội, thì thay bằng cạnh tranh với nhau, giải pháp phù hợp hơn có lẽ là tìm kiếm sự cộng tác. Mô hình này (consociational) phổ biến ở các nước châu Âu lục địa. Khi mô hình này bị đẩy lên quá cao, tức hình thành hình thức tập đoàn đảng phái (party cartel), thì đó là biểu hiện cho thấy các đảng lớn phối hợp để cai trị đất nước và cùng giúp lẫn nhau duy trì quyền lực của mỗi đảng.

Như vậy, hai mô hình đấu tranh và hợp tác là hai cực của một quá trình: các hệ thống đảng phái vững mạnh phải trải qua nhiều hình thức trung gian, phụ thuộc vào việc hệ thống đảng phái đó hoàn toàn là cạnh tranh (thường là mô hình hai đảng) hay hoàn toàn hợp tác (hệ thống đa đảng). Những đảng, nhất là đảng lớn nằm trong liên minh cầm quyền rõ ràng là được thể chế hoá; sự thoả hiệp giữa những đảng này đi kèm rất nhiều thủ đoạn khiến cho các đảng không ở trong liên minh rất khó cạnh tranh một cách bình đẳng. Chừng nào thực tế này còn diễn ra thì khó có thể thể nói hệ thống đảng phái đã trưởng thành.

Mặc dù đảng phái chính trị làm chức năng cầu nối giữa người dân và nhà nước, nhưng trên thực tế chúng chỉ thường làm việc huy động quần chúng hơn là hướng tới mục tiên đại diện cho người dân. Do đó, để xây dựng một nền dân chủ thực thụ, bản thân đảng phái chính trị phải thực sự vững mạnh, bám rễ sâu vào các tầng lớp xã hội để vừa làm chức năng đại diện vừa lãnh đạo quần chúng. Tuy nhiên, điều kiện giúp cho đảng chính trị đạt được mục đích trên là chúng phải thực sự khác biệt nhau. Chính sự khác biệt của một đảng đối với các đảng còn lại trong hệ thống là sợi dây thắt chặt mối liên hệ của đảng và những người ủng hộ của nó. Mối quan hệ bền vững giữa đảng và những người ủng hộ đảm bảo cho đảng hoạt động ổn định, có thể đề ra và theo đuổi các chính sách dài hơi. Mặt khác hệ thống chính trị khó có thể hoạt động ổn định nếu giữa các đảng thiếu vắng sự khoan dung ở mức độ cần thiết và sự phối hợp tối thiểu trên một số vấn đề. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là giữa các đảng cần có sự khác biệt ở mức độ nhất định để duy trì mối quan hệ giữa đảng và người ủng hộ; đồng thời cũng phải dành một không gian hợp tác vừa đủ để đảm bảo hệ thống chính trị vận hành ổn định. Sự hợp tác và đấu tranh cùng tồn tại trong một hệ thống đảng phái, thể hiện sự khác biệt cũng như nhu cầu nối kết giữ các đảng. Mối liên hệ có thể bền chặt hay lỏng lẻo, dưới các hình thức thoả hiệp hay cạnh tranh; tuy nhiên sự thoả hiệp không nên đến mức hình thành các tập đoàn để khống chế xã hội, nhưng sự cạnh tranh cũng nên dừng ở mức độ đảm bảo hệ thống đảng phái không bị tan vỡ….

Nguyễn Thanh Hải (PhD candidate-Macquarie Uni)

1 comment:

  1. Bài viết dài nên em phải vừa đọc vừa nghiền ngẫm. Cảm ơn anh đã giới thiệu bài viết này.

    ReplyDelete