Friday, December 19, 2008

Hệ thống đảng phái chính trị: lý luận chung


Một số vấn đề lý luận chung về hệ thống đảng phái chính trị: Một cách nhìn trong bối cảnh Đông Nam Á (trích)


Đảng phái, cùng với nhà nước, là những thiết chế trung tâm của hệ thống chính trị. Cho dù còn nhiều hạn chế, nhưng các đảng phái chính trị đóng vai trò cốt yếu cho sự vận hành của xã hội hiện đại. Đảng phái là thiết chế duy nhất qua đó, những quan điểm, thái độ và tình cảm của người dân được chuyển tải tới những bộ phận có quyền ra quyết định và cũng chính qua hệ thống này, các nhà lãnh đạo tiềm năng được đề cử để rồi được bổ nhiệm chính thức. Trên thực tế, đảng phái chính trị ở các xã hội tư sản có ba chức năng chính: thứ nhất, tạo mối kết nối thường xuyên giữa công dân với chính phủ (nhà nước); thứ hai, đề ra các chính sách phản ánh nguyện vọng của cử tri để nhà nước triển khai; và thứ ba, đảng chính trị là các phương tiện để chính trị gia được lựa chọn, bổ nhiệm vào các cơ quan chính quyền.


Các đảng chính trị do đó là cầu nối hữu dụng nhất giữa nhà nước và nhân dân. Nhưng để hoàn thành chức năng đó, đảng phái chính trị không chỉ dựa vào cấu trúc nội tại của mỗi đảng mà còn phụ thuộc vào mô hình của cả hệ thống đảng phái chính trị. Một đảng chính trị thường được xem xét dưới hai phương diện: thứ nhất, đảng đó chỉ thực sự mang tính đại diện, nếu nó bám rễ sâu vào mọi tầng lớp dân cư; tức không chỉ tập trung hoạt động trong khuôn khổ các thành phố lớn. Thứ hai, để có thể tác động đến đời sống chính trị, mà không đơn thuần là các tổ chức để tranh luận (debating societies), các đảng chính trị phải trở thành một phần của “hệ thống”. ở các xã hội tư sản, các đảng trong một hệ thống vừa có tác động tương hỗ vừa bảo đảm tính độc lập; ngoài ra, số lượng các đảng không quá nhiều để đảm bảo hệ thống vận hành có hiệu quả trong việc đưa ra quyết định (Blondel, 1995).


Trong khi đặc điểm chung thứ nhất, liên quan đến cấu trúc của một đảng, cần phải được xem xét trong phạm vi hệ thống chính trị mà nó tồn tại và vận động; thì đặc điểm thứ hai, tức hệ thống bao gồm một số lượng đảng phái độc lập với nhau, chỉ tồn tại khi những đảng đó được hoạt động tự do, nhất là trong các cuộc bầu cử. Do đó cần thiết phải có một khung pháp lý xác lập các quyền tự do, theo đó buộc nhà nước phải đảm bảo thi hành trên thực tế. Về phía mình, các đảng chính trị trực tiếp góp phần xây dựng các chế định pháp luật đảm bảo quyền tự do và đồng thời tuân thủ nghiêm túc khung pháp lý này trong quá trình hoạt động. Đây thực chất là một mối quan hệ tương hỗ.


Vì vậy, khi nghiên cứu hệ thống chính trị ở năm nước Đông Nam á này, trước hết, chúng tôi phải tập trung tìm hiểu khung pháp lý và điều kiện thực tiễn có cho phép hệ thống đảng phái chính trị ở mỗi nước hoạt động tự do và hiệu quả hay không? thứ hai, các đảng có được tổ chức để thực sự là công cụ đại diện cho ý chí của đa số quần chúng? thứ ba, liệu các đảng phái có tồn tại độc lập và giữa các chúng có tạo thành một hệ thống đảng phái, trong đó có số lượng vừa đủ để có thể tác động hiệu quả đến quá trình ra quyết định hay không?

Khung pháp lý và thực tiễn chính trị


Để có thể hoạt động tự do và độc lập, các đảng chính trị phải vận hành trong một môi trường mà các đảng đó được công nhận, đồng thời được tự do tiến hành các hoạt động theo như mong muốn của mỗi đảng ở mọi thời điểm, không chỉ giới hạn trong thời gian tổ chức bầu cử. Hệ thống chính trị do đó cần đảm bảo cho các đảng phái có được cơ hội bình đẳng tương đối. Những yếu tố để đảm bảo điều đó là: khung pháp lý, hệ thống bầu cử và vai trò của truyền thông.


- Khung pháp lý: Khung pháp lý có tác động trực tiếp đối với sự phát triển của các đảng chính trị. Trong số các văn bản quy phạm pháp luật thì hiến pháp (có hiệu lực) đóng vai trò kiến tạo cơ sở pháp lý cơ bản và tối cao cho hệ thống đảng phái chính trị. Do đó hiến pháp có tác động to lớn đến các đảng phái chính trị.


Trước hết, hầu như mọi hiến pháp đều quy định trước tiên mối quan hệ giữa nhánh lập pháp và hành pháp (quy định mô hình chính thể). Mối quan hệ được hiến pháp xác lập này ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc và hoạt động của các đảng phái chính trị.


ở chế độ tổng thống, do sự phân quyền tương đối triệt để, nên dường như sự cố kết của các đảng chính trị lỏng lẻo hơn ở các nước theo chế độ đại nghị. Trong chế độ này, hoạt động của nhánh hành pháp (tổng thống) ít bị ràng buộc bởi phe đa số trong cơ quan lập pháp. Do đó, tổng thống ít phải tham khảo ý kiến của các thành viên khác trong đảng của mình trước khi ra một quyết định theo thẩm quyền. Nội bộ đảng chính trị ở các nước theo mô hình tổng thống còn bị chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái ủng hộ các ứng cử viên khác nhau trong cuộc bầu chọn ứng cử viên đại diện cho đảng tranh cử tổng thống.


Ngược lại, ở chế độ đại nghị, nội các được thành lập bởi một đảng, hoặc liên minh chiếm đa số trong cơ quan lập pháp, nên hầu hết mọi quyết định của nhánh hành pháp đều cần sự đồng thuận của các thành viên nhóm đa số này. Về phía nghị viện/quốc hội, các nghị sĩ thuộc phe đa số cũng hiểu rằng lá phiếu của mình góp phần trực tiếp ủng hộ hoặc thậm chí đánh đổ chính phủ. Vì vậy, sự cố kết và đồng thuận trong nội bộ đảng ở các nước theo mô hình đại nghị sẽ cao hơn. Tuy nhiên, ở một số nước Mỹ La tinh đặc điểm này không hoàn toàn chuẩn xác.


ở khía cạnh khác, cấu trúc lãnh thổ, cụ thể là sự phân chia quyền lực giữa chính phủ trung ương và các địa phương được xác lập trong hiến pháp cũng có tác động to lớn đến các đảng phái chính trị. Nói cách khác, sự tản quyền không chỉ là một phương thức quản lý hành chính, mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa chính trị, và cho dù không quyết định, nhưng nó có tác động ở mức độ không nhỏ đến các đảng phái. Điều này tồn tại trên thực tế, bởi vì những chức danh cao nhất của chính quyền địa phương ở những quốc gia tản quyền đều được lựa chọn thông qua bầu cử và các cơ quan đó đóng vai trò rất lớn đối với những vấn đề của địa phương. ở nhiều nước có cấu trúc lãnh thổ liên bang, tính phân quyền cao hơn, vai trò của một đảng ở bang/tỉnh này có thể không như ở các bang còn lại; thậm chí có những đảng chỉ hoạt động giới hạn ở một số bang trong nước.


- ảnh hưởng của hệ thống bầu cử: Nhìn chung, chỉ có một số ít hiến pháp quy định những đặc điểm cơ bản của hệ thống bầu cử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống bầu cử có tác động mạnh mẽ đến cấu trúc và sức mạnh của mỗi đảng phái nói riêng và của cả hệ thống đảng phái nói chung. Hành động chủ ý thường là việc đối xử không công bằng đối với một số đảng phái nhất định, nhất là các đảng đối lập. Biểu hiện cụ thể của sự phân biệt này có thể là sự lạm quyền trong quá trình xây dựng danh sách bầu cử hoặc gây khó khăn cho các hoạt động của đảng, đặc biệt là trong chiến dịch vận động bầu cử. Đây chính là biểu hiện thường gặp ở Singapo và Malaixia. Những hành động kiểu này góp phần hạn chế các đảng chính trị phát triển các cơ cấu đại diện thực thụ và làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi cho các đảng tham gia chính phủ.


Tuy nhiên, có một thực tế mà một số đảng chính trị, không nhất thiết phải là các đảng cầm quyền, vẫn có thể lợi dụng để trục lợi bất hợp pháp: từ việc mua phiếu bầu đến việc dàn xếp cho những nhóm ứng cử viên nhất định tham gia tranh cử ở những đơn vị bầu cử có số lượng cử tri ủng hộ cao, v.v. Cho dù những hành động này có được phát hiện hay không, thì việc tình trạng gian lận phổ biến ở nhiều nước đã làm suy giảm lòng tin của cử tri vào vai trò của các đảng chính trị. Hơn nữa, hành vi gian lận còn có xu hướng làm giảm khả năng thể chế hoá các đảng chính trị, hơn nữa khiến đảng phái trở nên phụ thuộc vào vào một số cá nhân, nhất là những tài phiệt muốn sử dụng đồng tiền để khuynh khoát chính trị vì mục đích riêng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi gian lận bầu cử trở thành một thực tế khá phổ biến ở nhiều nước, trong đó có các nước Đông Nam á (Taylor 1996). Tuy vậy, ngay cả trong trường hợp lý tưởng là có thể loại bỏ những hiện tượng tiêu cực hay bị phân biệt đối xử thì các đảng phái vẫn không hi vọng có thể tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước. Vì vậy, ở nhiều quốc gia, nhất là các nước phương Tây, nhà nước phải có các biện pháp nhằm làm giảm sự bất bình đẳng, thông qua chính sách trợ cấp kinh phí từ ngân sách quốc gia cho các đảng chính trị trên cơ sở kết quả bầu cử đạt được của mỗi đảng.


Những thực tế trên tất nhiên không chỉ tác động đến cấu trúc của đảng mà còn ảnh hưởng đến cả hệ thống đảng phái chính trị. Một hệ thống đảng phái sẽ chịu tác động trực tiếp từ cơ chế của hệ thống bầu cử, tiêu biểu nhất là phương thức phân bổ ghế trong nghị viện và trình tự bầu tổng thống. Theo đó, chế độ bầu cử đa số tương đối (the first past the post), tức người giành nhiều phiếu nhất trong một đơn vị bầu cử sẽ thắng cử, đôi khi dẫn tới việc đảng thắng cử không đại diện cho đa số nguyện vọng của cử tri. Và như vậy cơ chế này khác với phương pháp tỷ lệ (proportional representation). Do đó, phương thức phân bổ ghế trong nghị viện và trình tự bầu tổng thống một mặt tác động đến hành vi bầu cử của cử tri (bởi vì về cơ bản họ nhận thức được những tác động của chế độ bầu cử đến kết quả bầu cử thông qua hành động bầu cử cụ thể của mỗi cử tri), mặt khác ảnh hưởng đến chiến lược phân bổ ứng cử viên của các đảng tuỳ thuộc vào các đặc điểm của chế độ bầu cử. Khi các chính phủ nhận thức được điều này, họ sẽ bằng nhiều cách đảm bảo một cơ chế phân bổ ghế có lợi nhất cho đảng cầm quyền. Việc Malaysia và Singapo duy trì phương pháp bầu cử đa số tương đối có thể là cách giúp cho đảng, hoặc liên minh cầm quyền đảm bảo một đa số lớn hơn nhiều trong trường hợp áp dụng phương pháp tỷ lệ (PR).

Khi nói đến môi trường hoạt động của hệ thống đảng phái chính trị, không thể không nhắc đến vai trò to lớn của giới truyền thông. Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng, tính công bằng và đặc biệt là mức độ phụ thuộc của giới truyền thông trong từng bối cảnh cụ thể còn là những chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Các hình thức cấu trúc của đảng phái chính trị


Môi trường bên ngoài, gồm khung pháp lý, chế độ bầu cử và hoạt động của giới truyền thông là điều kiện tiên quyết cho các đảng chính trị phát triển, nhưng chưa phải là tất cả. Có nhiều ví dụ sống động cho thấy, ở nhiều nơi, tuy môi trường khá tốt, nhưng các đảng chính trị vẫn còn chưa đủ mạnh, thậm chí được coi là còn trong thời kỳ mới phôi thai như ở Brazil, hay ngay cả ở Mỹ đảng chính trị chỉ như những “chiếc thùng rỗng”. Về cơ bản, người ta có thể chia các đảng phái chính trị căn cứ vào cấu trúc của chúng.

- Đảng đại chúng (mass parties) và đảng “quý tộc” (parrties of “notables”)


Nói chung, các đảng chính trị sẽ trở nên mạnh hơn nếu chúng có mối quan hệ vững chắc với cử tri ngay từ các đơn vị bầu cử. Đảng nào có được sự gắn bó chặt chẽ như vậy trên quy mô toàn quốc được coi là đảng đại chúng toàn quốc. Các đảng này có đặc điểm là có mạng lưới tổ chức từ trung ương bám rễ xuống các cấp địa phương. Kết cấu này của đảng đại chúng trái ngược với các đảng “nhân sĩ”, hay còn gọi là đảng “quý tộc”, tức những đảng không có tổ chức chặt chẽ, mà chủ yếu dựa vào uy tín của những nhân vật nổi tiếng ở địa phương, thường là các chủ đất, hay luật sư, bác sĩ, giáo viên... Mối quan hệ giữa những nhân sĩ này với cử tri mang tính chất của mối quan hệ thân thuộc. Đảng “quý tộc” xuất hiện trước hết ở các xã hội truyền thống châu Âu từ thế kỷ XIX, nhưng dần bị các đảng đại chúng quy mô toàn quốc lấn lướt. ở một số quốc gia Đông Nam á, như Thái Lan hay Philipin hình thức đảng “quý tộc” này vẫn còn có vai trò lớn. Các đảng cầm quyền ở Singapo và Malaixia có tổ chức chặt chẽ và có xu hướng vận động, phát triển theo mô hình của Đài Loan và Hàn Quốc đã đi qua. Trong khi đó, tương lai của đảng Golkar ở Inđônêxia càng trở nên bất định sau khi chế độ Suharto sụp đổ.

- Các nhóm xã hội và quá trình chính thống hoá của các đảng đại chúng

Để các đảng đại chúng xuất hiện và có tầm ảnh hưởng cần có hai điều kiện: thứ nhất, các đảng đó phải có sự ủng hộ của một nhóm xã hội (social cleavage) rộng lớn. Những nhóm xã hội này xuất hiện ở Tây Âu từ thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ban đầu dưới dạng các nhóm địa phương, sau đó do thay đổi về cấu trúc xã hội và ảnh hưởng của các phong trào quần chúng, nên dần xuất hiện các hình thức tổ chức xã hội khác dựa trên sắc tộc, tôn giáo hay giai cấp. Đây chính là nền tảng của các đảng đại chúng quy mô toàn quốc (Blondel 1995, 101).

Bên cạnh đó, một đảng đại chúng cần một đặc điểm thứ hai, đó là phải trung thành với các nhóm (sắc tộc, tôn giáo hay giai cấp) được xác định là nền tảng xã hội của mình, làm cho cử tri tin tưởng đảng đó thực sự là tổ chức đại diện cho ý chí và nguyện vọng của họ. Quá trình hợp pháp hoá đòi hỏi quỹ thời gian đủ lớn để giúp đảng có chỗ đứng vững chắc và vị trí độc lập khỏi chính nhóm xã hội mà từ đó nó xuất phát. Quãng thời gian đó là lúc các đảng đại chúng củng cố tổ chức, thu hút và phát triển đội ngũ đảng viên. Ngược lại, đây không phải là quy trình tất yếu của các đảng “quý tộc”, bởi chúng vẫn chủ yếu dựa vào các nhân vật địa phương nổi tiếng, những người xem nhẹ, thậm chí không muốn xây dựng bộ khung tổ chức đảng vững chãi, vì đó có thể là nguy cơ thách thức sức mạnh của họ.
- Sụt giảm ủng hộ đối với đảng đại chúng trong các xã hội công nghiệp và sự xuất hiện của các đảng “vấn đề”.

Tuy nhiên, từ thập niên 1960, xuất phát từ Mỹ, sau đó lan sang các xã hội công nghiệp khác, lòng tin đối với các đảng đại chúng bắt đầu suy giảm, đồng thời một số đảng chính trị xuất hiện mà không dựa trên một nhóm xã hội nhất định nào. Cả các đảng mới xuất hiện và các đảng đã hình thành trước đó đều bắt đầu tìm kiếm sự ủng hộ theo những vấn đề của xã hội nhằm giành sự quan tâm của một nhóm cử tri nào đó, ví dụ như các vấn đề môi trường, việc làm, v.v.. Sự thay đổi này biến đảng chính trị hoạt động như các “nhà sản xuất hàng hoá chính trị”, tương tự như các công ty sản xuất những loại sản phẩm nhất định để cung cấp cho các bộ phận khách hàng có nhu cầu về sản phẩm hành hoá, dịch vụ đó. Khi đó, cử tri sẽ lựa chọn đảng để ủng hộ tương tự như chọn các dịch vụ thương mại (Downs, 1957). Việc cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinnawatra, cựu chủ tịch đảng Thai Rak Thai (đã bị giải thể), đưa ra chủ thuyết quản lý đất nước cũng như quản lý một công ty, phải chăng có hàm ý lý thuyết này. Mặc dù vậy, việc đánh đồng hai chủ thể này (công ty và đảng chính trị) có vẻ là sai lầm, bởi vì đảng chính trị không chỉ nhằm cung cấp dịch vụ hàng hoá mà còn có nghĩa vụ quản lý quốc gia. Mặc dù vậy, việc thay đổi này làm sói mòn sự ủng hộ truyền thống cho các đảng đại chúng, khiến kết quả của các cuộc bầu cử trở nên bất định hơn, cử tri giao động và dễ dàng thay đổi sự ủng hộ giữa các đảng phái, giữa đi bầu và tẩy chay bầu cử.

- Bốn hình thức đảng chính trị và sự phát triển của các đảng chính trị ở Đông Nam á

Như đã phân tích ở trên, có ba hình thức đảng chính trị cơ bản: đảng đại chúng, xuất phát từ các nhóm xã hội như sắc tộc, tôn giáo hay giai cấp và thường có quy mô toàn quốc; đảng “quý tộc”, dựa trên mối quan hệ thân thuộc và chủ yếu mang tính địa phương; và đảng theo vấn đề, hình thành không dựa trên sự ủng hộ của các nhóm xã hội nhất định, thường có quy mô nhỏ và thường không ổn định. Từ ba hình thức trên, có thể bổ sung thêm loại hình thứ tư, nhất là ở Đông Nam á: đảng hoàn toàn được thành lập bởi một nhà lãnh đạo nổi tiếng.

Bức tranh đảng phái chính trị ở các nước Đông Nam á khá phong phú. ở Malaixia, các đảng lớn đều được hình thành trên cơ sở một nhóm sắc tộc-tôn giáo, tạo nền tảng cho quá trình dân chủ hoá xã hội có thể diễn ra. Mặt khác, ở Thái Lan và Philipin, đặc trưng nổi bật của đảng phái chính trị là các liên minh lỏng lẻo, dựa trên mối quan hệ thân thuộc; trong khi đó, tương lai của các đảng chính trị ở Singapo và Inđônêxia còn chứa đựng nhiều xáo trộn.

- Hệ tư tưởng, cương lĩnh và chính sách: các đảng “cương lĩnh” và đảng “đại diện”

Các đảng phái rất khác biệt nhau về phương pháp hoạch định chính sách. ở một thái cực, có những đảng chủ trương cải cách triệt để; nhưng ở chiều ngược lại, có không ít đảng muốn duy trì nguyên trạng; giữa hai xu hướng này là những đảng vừa triển khai chính sách vừa phải chú ý đến phản ứng bất lợi có thể xảy ra.

Như vậy, đảng phái có thể được chia thành ba nhóm lớn căn cứ vào cương lĩnh và chính sách của chúng. Những đảng có ý thức hệ rõ ràng và chủ trương triển khai ý thức hệ đó được gọi là đảng “cương lĩnh” (programmatic parrty), trên thực tế thường là các đảng đại chúng (mass party), nhất là đảng cánh tả; những đảng chỉ chủ yếu quan tâm đến lợi ích của cử tri để duy trì sự ủng hộ được gán danh hiệu đảng “đại diện” (representative parrty hay còn được gọi là “catch-all” party); và những đảng không có chính sách nào ổn định là những đảng mới thành lập (đảng “phôi thai”, hay ichoate party).

Các chương trình, chính sách của nhà nước sẽ khó đạt hiệu quả ở những quốc gia do đảng mới thành lập cầm quyền. Mặt khác, các đảng mang tính cương lĩnh cao thường được xem là quá cứng nhắc, nhất là các đảng cánh tả có tổ chức chặt chẽ(Michels, 1911/1962). Tuy vậy, các đảng cương lĩnh trong bối cảnh chủ nghĩa đa nguyên phương Tây chỉ tỏ ra cứng rắn ở vị trí đảng đối lập, nhưng khi thành đảng cầm quyền thì lại trở nên khá linh hoạt. Ngày nay trong xã hội tư sản, các đảng cương lĩnh đang chuyển theo hướng từ bỏ hệ tư tưởng chính thống và tính cứng nhắc. Trên thực tế, những đảng cương lĩnh kiểu này mang nhiều đặc điểm giống với các đảng đại diện đại chúng hơn (representative mass parrty). Các đảng đại diện đại chúng do đó linh hoạt hơn các đảng cương lĩnh đại chúng (programmatic mass parrty) và là công cụ đắc dụng cho quá trình hoạch định chính sách tại những nơi mà giới quan liêu có vị trí quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế, nhất là khu vực Đông Nam á.

Các hệ thống đảng phái

- Hai hình thức cạnh tranh của đảng phái chính trị

Để có một hệ thống đảng phái phát triển, không những mỗi đảng phái phải thực sự mạnh và sinh động mà chúng phải cùng tạo thành một hệ thống, trong đó không có đảng nào trở nên quá mạnh khiến cho các đảng khác bị biến thành vệ tinh hay bị gạt ra bên lề. Hơn nữa hệ thống phải tạo ra sự môi trường cạnh tranh thực thụ. Sự cạnh tranh diễn ra theo hai thái cực: Thứ nhất, dưới hình thức cuộc chiến thực thụ giữa các “kẻ thù”, khi đảng chính trị gắn chặt với các nhóm xã hội nơi chúng hình thành và không có ý định thu hút sự ủng hộ của cử tri thuộc các nhóm xã hội khác. Như vậy, các đảng sắc tộc hay tôn giáo có thể chỉ thuần tuý như là những công cụ của các nhóm sắc tộc, tôn giáo.

ở thái cực khác, cuộc cạnh tranh diễn ra theo hình thức các doanh nghiệp bán hàng hoá, dịch vụ. Nói cách khác, mỗi đảng phái đều nhắm vào số cử tri mới bằng việc đưa ra các chương trình, chính sách nhằm giành về phía mình những người vốn trước kia thuộc phe đối lập. Trên thực tế, hầu hết các đảng đại chúng đều đi theo con đường trung dung: vừa giữ chân được những người ủng hộ truyền thống vừa khai thác được địa hạt của những đối thủ cạnh tranh. Như vậy, đối với cử tri, bên cạnh việc trung thành với nhóm của mình thì những vấn đề các đảng đưa ra tranh cử cũng là một sự lựa chọn cho họ.

Quá trình cử tri thay đổi truyền thống ủng hộ cho đảng đại chúng từ sự trung thành với đảng đơn thuần, sang việc vừa kết hợp giữa sự gắn bó vốn đồng thời cân nhắc các chiến lược do đảng đưa ra là một bước phát triển, đảm bảo cho một hệ thống đảng phái ổn định và hoạt động có hiệu quả. Thiếu lòng trung thành của các nhóm cử tri, hoặc của các thành viên thì đảng phái dễ có nguy cơ bị phân tán. Ngược lại, nếu các đảng chính trị chỉ gắn chặt với một nhóm xã hội, hoặc mang tính địa phương thì sẽ diễn ra tình trạng căng thẳng giữa các đảng phái và hậu quả là chính phủ dân cử trở nên mỏng manh, dễ sụp đổ.

Vì vậy, một hệ thống đảng phái vững mạnh cần thiết phải thực hiện bước chuyển từ hình thức đảng chính trị chỉ gắn chặt với các tổ chức xã hội nhất định, sang mô hình có sự cân bằng hơn giữa hai cán cân, một bên là cơ sở xã hội và một bên là các vấn đề. Quá trình này đi qua hai giai đoạn. Bước thứ nhất, đảng chính trị được thành lập trên cơ sở các nhóm xã hội rộng lớn, giúp tạo nền tảng ổn định cho đảng trong mối quan hệ với các đảng khác. Sau đó sang bước tiếp theo, mối liên hệ giữa đảng và các nhóm xã hội phải được nới rộng cho phép sự cạnh tranh thực thụ giữa các đảng diễn ra, khi đó mỗi đảng đều cố gắng giành lá phiếu của những cử tri ôn hoà, những người không còn hoàn toàn trung thành một cách vô điều kiện với nhóm xã hội của họ. Bên cạnh đó, bước chuyển từ bước 1 sang bước thứ hai không quá chậm, khiến các đảng khó có thể tác ra khỏi quỹ đạo cũ, nhưng cũng không quá nhanh làm cho đảng mất nền tảng ủng hộ xã hội.

- Các hình thức đảng phái chính trị:

Hệ thống đảng phái chính trị do đó phụ thuộc vào bản chất và sức mạnh của các nhóm xã hội trong một quốc gia, cũng như vào cơ cấu, quan điểm cương lĩnh... của mỗi đảng trong hệ thống. Về phần mình, các hệ thống đảng phái chính trị cũng khác biệt rất nhiều cả về số lượng lẫn nền tảng ủng hộ xã hội của các tổ chức thành viên có ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách của đất nước.

Nếu xét về số lượng và quy mô tương đối của đảng chính trị, có thể chia các hệ thống đảng chính trị ở những nước đa đảng phương Tây thành bốn hình thức như sau: hệ thống hai đảng, hệ thống hai đảng rưỡi, hệ thống đa đảng với một đảng chi phối, và hệ thống đa đảng không có đảng nào chi phối. ở hình thức thứ nhất, hai đảng ngang sức ngang tài chi phối bối cảnh chính trị. Hình thức thứ hai bao gồm hai đảng lớn và một đảng thứ ba nhỏ hơn nhiều giữ thế cân bằng. Hình thức thứ ba bao gồm 4-5 đảng lớn, nhưng có một đảng nổi lên, có sức mạnh tương đương tất cả các đảng khác cộng lại. Cuối cùng là mô hình mà tất cả các đảng phái đều có quy mô xấp xỉ nhau. Cách phân loại này xuất phát từ mô hình đảng chính trị các nước phương Tây, nhưng hiện nay đang có xu hướng phù hợp với nhiều khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Israel và hầu hết các nước thuộc khối thịnh vượng chung Anh quốc và các nước Mỹ La tinh (Blondel 1968; Blondel 1995, 170–72; Sartori 1976). Tuy nhiên, ở nhiều nước còn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống đảng phái chính trị thì thường có một đảng nổi lên, biến các đảng còn lại trở thành vệ tinh của mình. Trong bối cảnh Đông Nam á, các hệ thống đảng phái chính trị vẫn còn đang ở giai đoạn chưa định hình ổn định, cơ hội thắng cử luôn bấp bênh, nhất là ở Thái Lan và Philipin. ở hai nước này, hầu hết các đảng chính trị không có nền tảng ủng hộ xã hội rộng lớn trên quy mô toàn quốc và mối ràng buộc giữa một số đảng với cử tri thường theo chủ nghĩa thân tín và mang tính địa phương.

- Đấu tranh và hợp tác của các hệ thống đảng chính trị:

Xuất phát từ bản chất của chính trị, các đảng chính trị trong một hệ thống về cơ bản luôn duy trì xu hướng cạnh tranh với nhau. Đây là mô hình tiêu biểu của các nước Anglo-Saxon. Do đó, mối quan hệ giữa các đảng trong mô hình này là đối đầu (adversarial).

Bên cạnh đó, còn có một mô hình không dựa trên sự cạnh tranh, mà trên sự liên kết, hay “thoả hiệp” (accommodation) (Lijphart 1977). Thay vì cạnh tranh như các doanh nghiệp trên thị trường, các đảng phái quyết định cộng tác với nhau. Khi lãnh đạo của các nhóm xã hội cơ bản nhận ra rằng không ai trong số họ có thể giành chiến thắng, hoặc nếu cố gắng để chiến thắng bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính thể vì sự khác biệt quá sâu sắc giữa các nhóm xã hội, thì thay bằng cạnh tranh với nhau, giải pháp phù hợp hơn có lẽ là tìm kiếm sự cộng tác. Mô hình này (consociational) phổ biến ở các nước châu Âu lục địa. Khi mô hình này bị đẩy lên quá cao, tức hình thành hình thức tập đoàn đảng phái (party cartel), thì đó là biểu hiện cho thấy các đảng lớn phối hợp để cai trị đất nước và cùng giúp lẫn nhau duy trì quyền lực của mỗi đảng.

Như vậy, hai mô hình đấu tranh và hợp tác là hai cực của một quá trình: các hệ thống đảng phái vững mạnh phải trải qua nhiều hình thức trung gian, phụ thuộc vào việc hệ thống đảng phái đó hoàn toàn là cạnh tranh (thường là mô hình hai đảng) hay hoàn toàn hợp tác (hệ thống đa đảng). Những đảng, nhất là đảng lớn nằm trong liên minh cầm quyền rõ ràng là được thể chế hoá; sự thoả hiệp giữa những đảng này đi kèm rất nhiều thủ đoạn khiến cho các đảng không ở trong liên minh rất khó cạnh tranh một cách bình đẳng. Chừng nào thực tế này còn diễn ra thì khó có thể thể nói hệ thống đảng phái đã trưởng thành.

Mặc dù đảng phái chính trị làm chức năng cầu nối giữa người dân và nhà nước, nhưng trên thực tế chúng chỉ thường làm việc huy động quần chúng hơn là hướng tới mục tiên đại diện cho người dân. Do đó, để xây dựng một nền dân chủ thực thụ, bản thân đảng phái chính trị phải thực sự vững mạnh, bám rễ sâu vào các tầng lớp xã hội để vừa làm chức năng đại diện vừa lãnh đạo quần chúng. Tuy nhiên, điều kiện giúp cho đảng chính trị đạt được mục đích trên là chúng phải thực sự khác biệt nhau. Chính sự khác biệt của một đảng đối với các đảng còn lại trong hệ thống là sợi dây thắt chặt mối liên hệ của đảng và những người ủng hộ của nó. Mối quan hệ bền vững giữa đảng và những người ủng hộ đảm bảo cho đảng hoạt động ổn định, có thể đề ra và theo đuổi các chính sách dài hơi. Mặt khác hệ thống chính trị khó có thể hoạt động ổn định nếu giữa các đảng thiếu vắng sự khoan dung ở mức độ cần thiết và sự phối hợp tối thiểu trên một số vấn đề. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là giữa các đảng cần có sự khác biệt ở mức độ nhất định để duy trì mối quan hệ giữa đảng và người ủng hộ; đồng thời cũng phải dành một không gian hợp tác vừa đủ để đảm bảo hệ thống chính trị vận hành ổn định. Sự hợp tác và đấu tranh cùng tồn tại trong một hệ thống đảng phái, thể hiện sự khác biệt cũng như nhu cầu nối kết giữ các đảng. Mối liên hệ có thể bền chặt hay lỏng lẻo, dưới các hình thức thoả hiệp hay cạnh tranh; tuy nhiên sự thoả hiệp không nên đến mức hình thành các tập đoàn để khống chế xã hội, nhưng sự cạnh tranh cũng nên dừng ở mức độ đảm bảo hệ thống đảng phái không bị tan vỡ….

Nguyễn Thanh Hải (PhD candidate-Macquarie Uni)

Tuesday, December 09, 2008

Mười ngày ở Huế: Phần IV

Chùa Thiên Mụ

Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế. Cho nên ở Huế, phong cảnh đã xinh, những nơi cung điện lăng tẩm đã đẹp, mà dễ quí nhất là những nhân vật của xứ Huế vậy.

Tôi tiếc vì không ở được bao lâu, trong khoảng mười ngày lấy đâu mà biết cho khắp những bậc danh sĩ cao nhân, thường là người ẩn dật, không phải hằng ngày mà gặp được. Nhưng phàm những người tôi sở biết đều là có cái tư cách cao thượng cả. Cầm, kỳ, thi, họa, là những ngón chơi thường của các bậc ấy. Nay không thể biết được hết những người hay ở Huế, không thể kể được hết những người đã từng biết, chỉ xin nói qua về một nhà nữ sử với một vị cao tăng tôi được tiếp trong khi ở Kinh đô.

Nữ sử hiệu là Đạm Phương, con gái Đức ông Quỳnh Quốc Công là con Đức Minh Mạnh, và là em hai Đức ông Tùng Thiện và Tuy Lý. Nữ sử năm nay tuổi chừng ngoài bốn mươi, vợ ông Nguyễn Khoa I..., hiệu Thanh Nguyên, thuộc về dòng dõi quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã nói trên kia. Hai ông bà đều hay thơ, thường xướng họa với nhau, có đưa cho tôi một tập thơ chữ để đăng báo. Nhời thơ chải chuốt mà có vẻ phong nhã. Có lắm bài làm theo lối liên hoàn, lối hồi văn khéo lắm. Phu nhân lại có làm thơ nôm và biết chữ Pháp nữa, hiện đương tập lược dịch một bộ tiểu thuyết tây. Tôi có mời phu nhân giúp vào báo Nam Phong thì phu nhân cũng hứa sẽ soạn một ít thơ văn bằng quốc âm gửi ra sau.

Hiện có mấy bài sau này, giọng êm đềm thanh thoát, rõ ra tư cách nhà thi nhân. Hai bài “Nhớ cảnh núi”: I Phất phất mành Tương gió quạt lầu, Thềm hoa xem đã bóng trăng thâu. Bâng khuâng chạnh nhớ niềm lâm hác, Vắng mặt Lư Sơn những mấy lâu. II Giậu trúc bơ thờ ráo hột mưa, Tiếng chim dìu dặt gió hương đưa. Hồ sen nắng hạ đà phai thắm, Ngành cúc rừng thu tuyết điểm chưa? Một bài “Nhớ bạn”, lối liên hoàn: Mảnh trăng đêm dọi bóng quanh thềm, Bóng dọi quanh thềm giấc khó êm Giấc khó êm vì thương nhớ bạn, Vì thương nhớ bạn mảnh trăng đêm.


Phu nhân có một bộ di văn của Đức ông khi xưa để lại, cả thảy hơn mười quyển, chưa từng đem in và công bố bao giờ. Toàn là những văn nghị luận thiết thực, chớ không phải lối văn trường ốc. Vả Đức ông về đời Thành Thái có sung đi sứ bên Pháp, nên kiến văn rộng lắm. Khi ở Tây về, đóng cửa làm sách trong mấy năm: bộ di văn này tức là kết quả của cái công trước thuật của ngài hồi bấy giờ. Tôi có xin phu nhân cho phép đem in để công bố cho quốc dân biết cái tư tưởng một bậc đại nho của nước ta. Phu nhân cũng hứa sẽ cho sao lại rồi gửi ra sau, vì hiện chỉ có một bản muốn giữ làm gia bảo. Đức ông không sinh được người con giai nào, nhưng được người con gái như phu nhân tưởng cũng là xứng đáng lắm vậy.


Chính phu nhân cũng có hai cô con gái học Pháp văn đã thông lắm. Cô nhớn hiện làm trợ giáo ở trường nữ học Huế, năm nay sắp ra thi lấy bằng trung học. Con gái An Nam ta học chữ Pháp mà đến được bậc trung học tưởng mới có tiểu thư là đầu, không kể những cô đã từng học ở bên Tây về. Mấy lần tôi lại chơi, không được gặp tiểu thư để cùng đàm luận cho biết cái trí thức một bậc nữ sinh có tài trong nước, thực lấy làm tiếc lắm. Nghe nói tiểu thư rất hiếu học, và tính rất phong nhã. Cứ xem một cái cách đặt tên cũng đủ biết tư cách người: phu nhân nói tiểu thư không chịu viết tên bằng chữ Thị không được thanh nhã. Nguyên tên họ là Nguyễn Khoa, tên riêng là Nhơn, bèn đặt tên là Nguyễn Khoa Diệu Nhơn. Chữ diệu đó thật là khéo, mà rõ ra cái phong thú con người yểu điệu tài tình. Mong cho sự học vấn của tiểu thư mỗi ngày một tấn ích: trong nữ giới nước ta sau này tất thêm được một ngôi sao mới vậy.


Họ Nguyễn Khoa vốn là người ngoài Bắc, nguyên quán ở tỉnh Hải Dương. Năm Minh Mạnh mới xin nhập tịch vào làng An Cựu, thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, gần thành phố Huế. Mười đời giúp việc bản triều, từ thời đại các chúa Nguyễn đến giờ. Ông thủy tổ đã từng theo đức Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng) từ khi còn đóng đô ở làng Ái Tử. Các con cháu về sau, hoặc làm quan văn, hoặc làm quan võ, hoặc giúp việc ở Triều đình, hoặc xông pha nơi chiến trận, hoặc cai trị một trọng trấn, thực đã hết lòng trung thành với nước, hình như đem cái vận mệnh riêng một nhà mà gửi thác cả vào cái vận mệnh chung trong nước. Trong lịch sử ít có mấy họ mà mười đời thủy chung chỉ thờ một nhà vua. Họ Nguyễn Khoa thực là có công với triều Nguyễn vậy.


Vẻ vang thay! Cao Tăng hiệu là Viên Thành Thượng Nhân, trụ trì chùa Ba La Mật, làng Nam Phố, cách Huế bốn năm cây lô mét. Chùa đó của một ông quan lớn họ Nguyễn Khoa dựng ra, thượng nhân tu ở đấy từ thủa lên bẩy, nay niên tuần đã vào khoảng ngót bốn mươi. Nhờ có ông bạn giới thiệu, tôi mới được biết thượng nhân, thực là cảm phục cái tư cách phong nhã, tư tưởng cao thượng của người. Thượng nhân vốn là người hoàng tộc, nên tuy ở chốn thuyền môn, mà biệt ra một cái phong độ riêng, không giống các nhà tu hành khác. Bước chân vào trong tinh xá, tưởng như nơi văn phòng của nhà thi nhân tao khách nào. Không phải là đồ bầy biện đẹp, không phải là cách trang sức khéo, nhưng bởi cái khí vị riêng nó phảng phất ở trong cái phòng ấy, khiến người khách vào chơi biết ngay ông chủ nhân là người phong nhã tài tình. Mà thượng nhân quả là người tài tình phong nhã thật.


Nói thế tất có người lấy làm lạ mà tự hỏi có nhẽ nào một kẻ tài tình ví như bông hoa thơm, hòn ngọc báu ở đời, lại không đem thân ra hưởng sự phong lưu phú quí của đời mà chịu ẩn mình ở chốn cửa Phật là cõi tịch diệt hư không; Đạo Phật là đạo xuất thế mà kẻ tài tình phải là người nhập thế, vì cái tài tình phải ở đời mới có giá trị; ở chốn Từ bi thì nhất thiết chúng sinh đều mang nghiệp khổ, người nào tài tình lắm tất nặng nghiệp nhiều, người mộc mạc thật thà ấy là người luân hồi nhẹ kiếp. Tôi cũng thiết nghĩ như thế, nhưng nghĩ kỹ ra thì tôi tưởng rằng cái tài tình tuy là vật quí của giời đất mà cách dùng mỗi người có khác nhau. Phần nhiều người lấy tài tình như cái bả mà làm cho say mê người đời, để chiếm lấy phần sung sướng ở đời. Nhưng cũng có người bẩm tính cao thượng, không lấy sự sung sướng ấy làm cái mục đích ở đời, nên không muốn đem cái tài tình của mình ra thi thố với đời, làm một vật buôn bán với đời, mà muốn dùng để đạt tới cái cõi mầu nhiệm cao hơn cả mọi sự mọi vật ở đời, là cõi Tiên, cõi Phật, cõi Thánh, cõi Thần. Bởi thế nên người tài tình không tất nhiên là phải nhập thế; dẫu xuất thế mà cái tài tình cũng có dùng vậy. Viên thành thượng nhân có nhẽ cũng vào hạng những người cao thượng ấy. Vả xưa nay cái quan niệm của người đời đối với người đi tu thường sai nhầm. Người đời cho đi tu là bỏ nhà ở chùa, ăn chay niệm Phật, không biết rằng tu thế chưa phải là tu. người đi tu là người trong lòng khao khát một sự cao xa mà ở đời không bao giờ tới được, hoặc vì việc đời phiền phức không để cho thư thái trong lòng mà tìm cho tới, hoặc vì lòng mình chìm đắm ở trong bể dục mà mờ ám không trông thấy cái chân lý ở đâu. Vậy phải ra tay cắt đứt cái dây liên lạc với đời mà đem mình lánh ở nơi am thanh cảnh vắng, để sửa trong mình cho được trong sạch sáng suốt mà đón rước lấy cái thú cao xa kia.


Sự sửa mình ấy tức gọi là tu, chớ không phải ăn chay niệm Phật mà là tu. Nên phàm ai có lòng thành thực khao khát một sự cao hơn mọi sự ở đời, mà dùng hết tinh lực cho tới nơi, thì người ấy dẫu không tu cũng là tu, mà người ăn chay niệm Phật nhưng trong lòng không có sự thành thực như thế thì người ấy dẫu tu cũng chưa phải là tu. Như thế thì xưa nay thường nghiệm phàm người tài tình phong nhã là những người trông thấy cái cảnh tượng thô bỉ xấu xa ở đời mà chán, khao khát muốn thoát khỏi cõi trần tục, lên một cõi cao xa trong sạch hơn. Cái lòng khao khát ấy chẳng phải là nguồn gốc của sự đi tu, sự xuất thế rư? Cho nên nói rằng sự tài tình không những là không trải mà lại có nhẽ hợp với cái chủ nghĩa xuất thế vậy.


Cái tài tình của Viên thành thượng nhân thì không phải tìm đâu xa, cứ nghe ngay câu chuyện người nói cũng đủ biết: mỗi nhời như ngọc nhả châu phun, mà tưởng cứ tự nhiên thành bài thơ ứng khẩu vậy. Người thơ chữ đã tuyệt bút mà thơ nôm cũng rất hay. Trong khi nói chuyện người thường đọc cho nghe nhiều bài; nay sao được vài bài nôm như sau này: Một bài “Nhớ bạn”: Cao thấp trời chung một hạt mưa, Ra đời vô núi cũng duyên dưa. Mấy phen sương tuyết chồi mai nở. Ngàn dặm tinh hoài bóng nhạn thưa. Lò lửa nhớ chừng vầy chuyện cũ. Bàn cờ theo buổi ngắm trà trưa. Nghĩ người đạo khế từng qua lại, Trăng giọi thềm rêu phải đó chưa? Một bài “Chơi núi”: Lững đững bên giời ngọn rớn sưa(1)Dặng bờ thu thảo ngớt cơn mưa. Rêu xanh đá mọc nhìn đường cũ, Khói biếc thành xây tưởng dấu xưa. Mây phủ dịp cầu sen ẩn tróc, Cây lồng bóng nước cảnh thừa ưa. Khách quen năm trước bây giờ đến. Thử hỏi non sông đã biết chưa? Thượng nhân lại thường nhận những câu hát ca dao nhiều câu rất có ý vị, người bèn dịch ra thơ chữ tuyệt khéo mà diễn được hết cái tinh thần của câu nôm. Như câu: Núi cao chi lắm núi ơi! Núi che mặt trời không thấy người thương người dịch ra hai câu chữ là: Kỷ trùng lam thùy vô cùng hận, Nhật ảnh vân già cách cố nhân. Lại câu: Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ người đẫy gấm khăn điều vắt vai, người dịch là: Hoàng hôn vô hạn hoàng hôn từ. Hồng phách hà bao nhỡn lí nhân Phi tay thi nhân tuyệt diệu không dịch được như thế.


Nhưng thượng nhân không những là một tay thi nhân có tài, mà lại là một nhà tư tưởng sâu sắc nữa. Người nghiên cứu về Phật học rất thâm, cốt để giải lấy cái giáo lý, thấu được những nhẽ mầu nhiệm của đạo Phật. Người nói chuyện với tôi rằng hiện đã soạn được một bộ Thích ca lược sử bằng quốc ngữ mà bằng văn xuôi, còn đương chú thích, khi nào xong sẽ gửi để đăng báo. Quốc dân ta ngày nay đã ai chịu công nhận rằng chữ quốc ngữ có văn mà đã mấy người chịu hạ cố viết văn xuôi; nay nghe thượng nhân nói làm sách bằng quốc ngữ mà bằng văn xuôi, tôi có ý lấy làm lạ, người bèn đáp rằng: “Bên Gia Tô người ta còn làm sách bằng quốc ngữ, theo như nhời nói thường, để cho nhiều người hiểu mà dễ truyền bá đạo. Mình há lại không nên làm như thế rư?”. Nghe câu đó mà tôi mừng rằng đã có một bậc trí thức biết cho văn quốc ngữ là có ích lợi. Thực đáng mừng mà đáng vui thay, vì cái vấn đề văn quốc ngữ ấy vẫn là một sự khổ tâm cho tôi đã lâu nay vậy. Nhân bàn về đạo Phật, thượng nhân khuyên tôi nên cổ võ Phật học trong báo Nam Phong, rồi người phát khởi ra một cái tư tưởng lạ. Người nói rằng: “Đạo Phật ở nước ta sở dĩ không thịnh được là bởi không có một cái Giáo hội như đạo Gia Tô ở các nước bên Tây. Nay muốn cho đạo Phật thịnh hành mà có thế lực trong nước thì phải họp cả các chùa lại, đặt một ông sư trưởng tức như ông giáo hoàng, lập lấy một cái tư bản chung, khiến cho các môn đồ đạo Phật trong nước thành một đoàn thể mạnh, như thế thì ích lợi cho quốc dân biết chừng nào! Ước gì vua ta chủ trương được việc đó thì thực là phúc đẳng hà xa”. Ấy cái hi vọng của người to tát như thế, cái tư tưởng của người cao xa như vậy. Tôi ngồi nói chuyện mà không muốn đứng ra về nữa. Thượng nhân lại giắt ra xem cái vườn hoa riêng của người. Vườn hoa xinh thay! Đáng yêu thay! Trông tưởng như một cái hoa viên trong sách tiểu thuyết tàu vậy. Những cây, những hoa giồng trong vườn ấy toàn là những cây cùng hoa quí cả, mà là những cây cùng hoa các thi nhân đã từng đề vịnh cả. Người chỉ cho xem cây nào lại đọc liền ngay câu thơ theo sau, hoặc là câu của tiền nhân, hoặc là chính của người. Nghe những tên người đặt cho các cây hoa đó cũng đã có thi vị lắm rồi: cây này là cây tì bà, lá như hình cái đàn tì bà, cây kia là cây mai khôi, hoa này là hoa thập tỉ muội hồng, chậu kia là chậu túy ông lan. Chỗ thì bụi tùng, chỗ thì khóm trúc, chỗ thì hòn núi giả, chỗ thì cành giậu thưa.


Tôi có ý nhận suốt trong vườn không có một thứ hoa gì là sặc sỡ nồng nàn, như ông bụt tây hay mẫu đơn tàu. Cái tính tình ông chủ nhân tất cũng có cái vẻ dịu dàng mát mẻ như chốn hoa viên ấy vậy. Người giữ đứng lại để chờ giăng lên mà thưởng nguyệt trong hoa thì mới thú. Nhưng bữa ấy là ngày 20, đợi mãi đến khuya mà giăng chưa mọc. Anh em đành phải xin từ biệt ra về, trong lòng luống những ngẩn ngơ, vì nhớ cảnh, vì nhớ người. Thượng nhân tiễn ra đến cửa chùa, vừa đi vừa ngâm: Chân trọng cà xa tống xuất môn... Quí hóa thay! * * * Ấy người Huế như thế, cảnh Huế như thế. Thiết tưởng cái cảm tình của tôi với Huế cũng không phải là quá đáng vậy. Nếu có người đọc bài này mà cũng sinh lòng yêu mến chốn Kinh đô cũ của nước nhà, nhân đó yêu đến cả nước nữa, thì “mười ngày ở Huế” của tôi cũng không phải là vô ích vậy.

Hà Nội, tháng 4 năm 1918

PHẠM QUỲNH

1 Rớn ngoài Bắc gọi là giảng, là cái mây sắc đỏ vàng, sau khi mưa. Sưa là thưa

Sunday, December 07, 2008

Mười ngày ở Huế - Phần III: cung chiêm Tôn lăng



Ở Kinh mà không đi cung chiêm các Tôn lăng thì cũng là uổng mất cái công tự Hà Nội về đây. Vả mục đích tôi về Kinh là muốn xem những cảnh tượng cũ của nước nhà: còn cảnh tượng gì trang nghiêm hùng tráng bằng những nơi lăng tẩm của mấy vị đế vương ta đời trước? Không những mấy nơi đó là những nơi thắng tích đệ nhất của nước ta, mà lại có thể liệt vào bậc những nơi thắng tích của cả thế giới nữa. Hoàn cầu dễ không đâu có chốn nhà mồ của bậc vua chúa nào mà khéo hòa hợp cái cảnh thiên nhiên với cái cảnh nhân tạo, gây nên một cái khí vị riêng như não nùng, như thương nhớ, như lạnh lẽo, như hắt hiu, mà lại như đầy những thơ những mộng, khiến người khách vãn cảnh luống những ngẩn ngơ trong lòng. Mà cái cảm giác ấy không phải là người mình mới có, dẫu người ngoại quốc đi du lịch đến đấy cũng phải cảm như thế. Có người Pháp rất mến cái cảnh những nơi lăng tẩm của ta đã từng nói muốn đi xem lăng phải đi vào những ngày gió thu hiu hắt, giời đông u ám thì mới cảm được hết cái thú thâm trầm. Bữa tôi đi xem thì tuy là giữa cảnh mùa xuân, mà hốt nhiên không những gió hiu hắt, giời u ám, lại nước mưa đổ xuống như trút nữa, tưởng thế cũng là quá vậy. Đêm hôm trước thuê thuyền đi, giời sáng giăng xuông, tưởng ngày mai dẫu không nắng to cũng bảnh bao cho bọn mình leo đường núi cho dễ. Ai ngờ chưa xem được một lăng, khi giở xuống thì giời đổ trận mưa rào, ngớt được một lát, đâm ra mưa rầm suốt cả ngày. Nhưng đã đến đấy không nhẽ bỏ nửa chừng mà về. Vả có nhẽ xem ngày mưa phong cảnh lại biệt ra một cái thú riêng nữa. Bởi thế nên tuy nước tát đầy mặt, bùn lội đẫm chân, cũng không quản dầm mưa mạo gió mà đi cho tới cái mục đích cuộc du lãm. Thực là hết lòng nhiệt thành với nơi thắng cảnh vậy.

Đi xem lăng có thể đi xe tay tự Huế, ước mất bốn năm giờ đồng hồ. Nhưng đi xe không bằng đi thuyền, tuy mất nhiều thì giờ hơn mà thú hơn nhiều. Thuyền chèo từ nửa đêm, ước tám giờ sớm mai tới nơi, đi xem suốt một ngày, chiều tối chèo về, nửa đêm đến Huế, cả thảy không đầy hai đêm một ngày mà được nằm nghỉ thảnh thơi, ngắm phong cảnh sông Hương, không mỏi mệt như ngồi trên xe. Kể cả lăng tẩm thì nhiều lắm, nhưng trước danh nhất có bốn nơi: Thiên Thụ lăng (lăng đức Gia Long), Hiếu lăng (lăng đức Minh Mạnh), Xương lăng (lăng đức Thiệu Trị), Khiêm lăng (lăng đức Tự Đức), bốn nơi ấy là to hơn và đẹp hơn cả. Nơi Thiên Thụ xa nhất, rồi lần lượt đến nơi Hiếu, nơi Xương, nơi Khiêm. Vậy thuyền chèo tới Thiên Thụ trước, rồi lần về các nơi khác, xem hết vừa tối ngày.

Nói lăng, những người không biết mỗi người tưởng tượng ra một cách: người thì cho là cái nhà bằng đá nhớn, trong đựng quan quách ông vua; người thì cho là cái vườn rộng, giữa xây nấm, quanh giồng cây; người thì cho là cái nền to như nơi văn chỉ, phỗng đá voi ngựa đứng chầu. Nhưng dù tưởng tượng đến đâu cũng không kịp tới cái chân tướng nhớn nhao. Lăng đây là cả một tòa thành, cả một vùng núi, chớ không phải một khoảng năm ba sào, một khu vài ba mẫu. Lăng đây là gồm cả mầu giời, sắc nước, núi cao, rừng rậm, gió thổi ngọn cây, suối reo hang đá, chớ không phải một cái nấm con con của tay người xây dựng. Lăng đây là bức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt khéo. Lăng đây là cái nhân công tô điểm cho sơn thủy, khiến cho có một cái hồn não nùng u uất, như phảng phất trong cung điện âm thầm, như rì rào trên ngọn thông hiu hắt. Không biết lấy nhời gì mà tả được cái cảm lạ, êm đềm vô cùng, ảo não vô cùng, nó chìm đắm người khách du quan trong cái cảnh tịch mịch u sầm ấy.

Trong thế giới chắc còn lắm nơi lăng tẩm đẹp hơn nhiều: như ở Ấn Độ có cái mả bà chúa toàn bằng ngọc thạch, ở Âu Châu cũng có lắm nơi mộ địa rất là u sầm. Nhưng không đâu cái công dựng đặt của người ta với cái vẻ thiên nhiên của giời đất khéo điều hòa nhau bằng ở đây, cung điện đình tạ cùng một mầu một sắc như núi non, như cây cỏ, tưởng cây cỏ ấy núi non ấy phải có đình tạ ấy cung điện ấy mới là xứng, mà cung điện ấy đình tạ ấy phải có núi non ấy cây cỏ ấy mới là hợp vậy."


Tôi vẫn thường lấy làm một cái khuyết điểm trong tư cách người dân ta là có tài xây dựng những đền đài to đẹp, mà khi xây ra rồi không biết bảo tồn cho được vững bền lâu, khiến cho có người Tây đã nói rằng: “Không những người An Nam không làm nổi cầu sông Cái, túng sở làm nổi nữa, cũng chỉ trong năm năm là cầu đổ vậy. Bởi thế nên các đình chùa đền miếu của ta như có cái cảnh tượng bỏ hoang, không ai nhìn đến, cỏ mọc rêu che. Nhưng trong chốn lăng tẩm này thì hình như cái cảnh tượng bỏ hoang ấy lại hợp với cái khí sắc thiên nhiên, hợp với cái tinh thần riêng của phong cảnh, mà làm cho cái vẻ u sầm lại u sầm thêm lên vậy. Ví có ông quan hộ lăng nào siêng việc quá, ngày ngày cho rẫy sạch cỏ trong lăng, năm năm quét vôi lại một lần, quét vôi vàng, rồi lại kéo thêm một đường xanh đỏ như các cung điện dinh thự ở Kinh đô, thì tưởng cái cảnh sắc nơi tôn lăng bấy giờ không gì khó coi bằng. Ai hay cái tính lười biếng của người mình mà lại làm đẹp thêm được cho nơi thắng cảnh? Kỳ thay! Tuy vậy, nói thế không phải là nói chỗ tôn lăng quyết không nên tu bổ. Đổ nát đâu phải chữa đấy, đừng để cho rầm mục tường siêu, nhưng chữa không được làm sai qui củ cũ. Gạch lát sân có viên nào vỡ thì hàn gắn lại, chớ nên bỏ cả đi mà thay gạch hoa tây vào. Còn ngọn cỏ ở khe gạch, cái rêu trên thềm đá, cây leo trên ngọn tường, lá rủ dưới hồ nước, phàm cái sắc cũ kỹ, cái vẻ tự nhiên thì cứ nên để vậy, vì chính những cái ấy nó gây nên cái khí vị riêng cho phong cảnh vậy.


Thuyền đỗ bên bãi cát, khách lên bộ, đi qua bãi thì vào đến chân núi Thiên Thụ. Có con đường lên, hai bên giồng thông. Bấy giờ giời tuy đã bảng lảng mà chưa mưa, vừa đi vừa ngắm phong cảnh vui lắm. Đi ước mười phút thì tới nhà binh xá là chỗ quan chánh sứ lăng, quan lãnh binh cùng quân lính coi lăng ở đó. Muốn đi xem lăng phải có giấy phép của Bộ mới được vào các cung điện. Vậy hôm trước tôi đã xin giấy Cụ lớn Công, ngài tử tế ân cần lắm, trong giấy nói rõ rằng tôi là chủ bút báo Nam Phong ở ngoài Bắc về, muốn đi cung chiêm các Tôn lăng, dặn các quan chánh phó sứ cùng quan lãnh binh cho người đưa đi xem mọi nơi. Nhưng chẳng may hôm ấy các quan đi vắng cả, tôi lên trình giấy không gặp ngài nào, duy có một thầy đội ở nhà, thầy xem giấy rồi tiếp đãi tử tế lắm, thân hành cùng với hai tên lính đưa chúng tôi lên lăng.


Từ nhà binh xá tới lăng đi ước mười phút đồng hồ nữa. Hai bên đường rặt thông. Thông là một giống cây nó làm cho trong sạch không khí. Ngửi hơi thông cũng đủ mát mẻ khoan khoái trong người. Tưởng cả ngày cứ được như thế, không mưa, thì còn gì sướng bằng. Đến điện trước rồi mới đến lăng, điện ở bên hữu lăng, gọi là Minh thành điện. Điện trông rất là nguy nga, trước mặt có sân rộng, giồng mấy cây đại to; lại có một thứ cây không biết tên là gì mà hình rất cổ kính thực là hợp với cái cảnh trang nghiêm ở chỗ ấy. Trèo bệ đá lên cửa điện, bước vào một cái sân rộng nữa, trong bầy mấy cái thống bằng sứ cực lớn. Thường trong các miếu điện ngoài sân hay bầy những thống như thế. Chắc là đồ tàu, nhưng không phải đồ thường, hoặc giả Triều đình ta khi xưa đặt kiểu riêng tự nơi “thổ sản” chăng. Vì ngày nay không thấy đâu có những chiếc thống nhớn như thế. Hai bên là tả vu hữu vu, giữa là chính điện.


Vào chính điện phải nói với các “mệ” coi trong ấy. Các “mệ” là những bậc cung nữ của Tiên đế khi xưa, hoặc là những bậc công tôn nữ giở về già xin vào lăng để trông nom việc hương lửa hôm mai. Ở lăng Thiên Thụ này chắc không còn những bậc cung nữ nữa. Trong điện có cái khám đặt bài vị đức Tiên đế, ngoài bầy cái sập rải chiếu để những đồ ngự dụng như khi sinh thời: cái khăn mặt, cái thau, bộ đồ trà, cái tráp giầu, v.v. Hai bên lại bầy những đồ pha lê cùng đồ sứ tây, chắc là những đồ của các ông sứ thần Pháp đem sang cống vua ta khi xưa. Đại khái cách bài trí trong tẩm điện các lăng đều như thế cả, chỉ khác nhau có ít hay nhiều mà thôi. Điện lăng Thiên Thụ này là ít đồ bầy hơn cả; nhiều nhất là điện Khiêm lang. Xem xong trong điện mới ra xem ngoài lăng. Sánh với các lăng kia thì lăng Thiên Thụ là giản dị hơn cả, nhưng có cái vẻ hùng tráng, thực là biểu được cái chí to tát một ông vua sáng nghiệp. Bốn bề là núi cả, trong sách nói cả thẩy ba mươi sáu ngọn đều quây quần về đấy. Giữa mấy từng sân đá rộng thênh thang, thềm cao rồng chạy; trên một tòa thánh tròn ba bề xây như hình cái ngai, trong hai nấm đá hình chữ nhật, tức là mộ đức Thế tổ Cao Hoàng đế cùng đức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, hai ông bà nằm song song ở giữa khoảng giời rộng núi cao như muốn chứng với Giời Đất rằng công ta đã đánh đông dẹp bắc mà gây dựng nên cái nền nhất thống của nước Đại Việt này, từ nay vững như Bàn Thạch, bền như Thái Sơn vậy. Không có đình, không có tạ, không có lâu, không có đài, chỉ trơ trơ một tấm sân đá mênh mông, ngoài xa hai cột đồng trụ cao ngất giời! Hùng thay! Thực rõ cái chí một bậc khai quốc đại anh hùng, không ưa những sự hư văn vô ích. Phàm lăng là xây tự sinh thời vua, chớ không phải khi vua băng hà rồi mới xây, cho nên mỗi cái lăng là biểu tinh thần tính cách riêng của mỗi ông vua, tự tay đặt kiểu lấy cái nhà ở sau cùng của mình. Như thế thì nơi lăng Thiên Thụ này thực là tấm gương phản chiếu cái khí tượng anh hùng của đức Gia Long ta vậy. Có người cho lăng đức Minh Mạnh là đẹp, có người cho lăng đức Tự Đức là khéo. Tôi lấy lăng đức Gia Long là hùng hơn cả. Nhưng một triều được mấy vua sáng nghiệp? Công khai sáng chỉ một đời, mà nền bình trị thực muôn thủa. Cho nên các lăng sau này có văn vẻ hơn nhiều mà thực là kém bề hùng tráng vậy. Dù vậy, nếu có người hỏi tôi: “Trong bốn lăng anh thích lăng nào?”, tôi xin đáp trước: “Tôi thích lăng đức Gia Long vậy”.


Nhưng dễ vì tôi thiên vị một lăng đức Gia Long mà đến khi giở xuống xem các lăng khác thì giời không tựa nữa, làm cho mưa rầm suốt ngày hôm ấy! Khi xuống đến thuyền đã hơn 11 giờ trưa. Nhà đò đã làm cơm xong, anh em vừa đánh chén, thuyền vừa chèo xuống sở Hiếu. Tự sở Thiên Thụ tới sở Hiếu là lăng đức Minh Mạnh mất hơn một giờ đồng hồ. Nhưng tự bến lên lăng thì gần, không có mấy bước đường. Ngoài bến có cái lầu nhỏ bằng gỗ dựng ngay bờ nước, để khách ngược xuôi qua đấy biết là nơi tôn lăng.


Nơi Hiếu lăng này ở khuất núi, cái địa thế không được rại rễ như nơi Thiên Thụ, nhưng có cái vẻ u sầm hơn. Chung quanh bịt tường kín cả, rõ ra một cái thành rộng. Vào trong trông cảnh tượng khác hẳn ở lăng Gia Long. Cây cối um tùm, đình tạ lâu đài rải rác khắp mọi nơi. Đây là hồ Tân Nguyệt, kia là cầu Thông Minh, nọ là núi Tam Tài, xa kia là đình Điếu Ngư, lại xa nữa là quán Nghênh Lương. Tẩm điện thì ở giữa, trước lăng, chớ không phải ở bên cạnh. Gọi là điện Sùng Án, ở trên cái gò tên là núi Phụng Thần. Trong điện bầy biện cũng như là ở điện Minh Thành lăng Gia Long, nhưng nhiều đồ hơn. Đại khái thì các lâu đài, đình điện chính đặt ở giữa cả, thẳng vào lăng. Sau điện đến cái bi đinh, trong đựng bia “Thánh đức thần công”. Phía đông có núi Viễn Trạch trên dựng Linh phương các, núi Đức Hóa trên dựng Thuần lộc hiên, núi Đạo Thống trên dựng Quan lạn sở. Phía tây có đảo Trấn Thủy, trên dựng Hư Hoài Tạ, sau một ít thì đặt nhà Thần Khố; lại có núi Tĩnh Sơn dựng Tả tòng phòng, núi Ý Sơn dựng Hữu tòng phòng. Cứ đọc bấy nhiêu tên cũng đủ biết chốn này là cơ ngơi của một ông vua thượng văn, chớ không phải thượng võ như vua cha là đức Gia Long. Trước mặt lăng có đặt những khu giồng hoa, xây dọc xây ngang như hình chữ triện trông rất xinh. Lại có một cái cửa nghi môn bằng đồng như hình cái hài phường, rồi đến cái cầu, đi thẳng vào thì bước lên bực đá, trên là cái thành tròn, trong cây mọc như rừng, không biết nấm mộ chỗ nào. Vì từ đời đức Minh Mạnh thì theo lệ cổ khi chôn vua phải chôn mật, đào đường tụy đao đem quan vào, xong lấp lại không cho ai biết chỗ. Phong cảnh ở đấy hiện ra một khí vị riêng, như âm thầm, như u uất. Chỗ này mới thực là cái cảnh tiêu sắt như cảnh mùa thu. Xem cảnh đoán người thì biết ông vua nằm đấy thực là mang cái tư cách tính tình một nhà văn sĩ thi nhân vậy.


Ba giờ chiều mới về đến sở Xương là lăng đức Thiệu Trị. Từ bến đến lăng đường đi cũng xa mà giời thì vẫn mưa. Cái qui mô thể chế của Xương lăng đại để cũng phỏng theo như Hiếu lăng. Chỉ khác tẩm điện không ở chính giữa mà ở về bên tả. Điên gọi là Biểu đức điện. Đối với điện, ở bên hữu thì có Đức hinh lâu. Lại về đằng sau một ít thì có Hiển quang các. Trước có cái hồ gọi là Ngưng thủy trì, trên bắc ba dịp cầu đá. Ngoài Đức hinh lâu là bi đinh, dựng bia “Thánh đức thần công”. Chính lăng thì cũng y như Hiếu lăng, không khác tí gì: Ngoài thành tròn bao kín mít, trong cây mọc um tùm như rừng. Phong cảnh ở đấy lại tiêu sắt hơn ở Hiếu lăng nhiều. Bấy giờ giời đã về chiều, mưa vẫn không dứt, đứng trong ấy buồn không biết chừng nào. Tưởng cái hồn đức Thiệu Trị còn phảng phất đâu ở đây, hồn đa sầu, khi sinh thời dễ đã biết trước rằng trị vì không được mấy lâu mà buồn, nên trong phong cảnh nay còn như ngậm ngùi ai oán. Cảnh tiêu sắt mà có thi vị vô cùng.


Về đến sở Khiêm là lăng đức Tự Đức thì đã gần sáu giờ chiều. Sở Khiêm vừa là cung vừa là lăng. Đức Tự Đức trị vì lâu, ngài kinh doanh ở đấy rất công phu, dựng hẳn cái cung để làm nơi nghỉ mát. Ai cũng cho Khiêm cung Khiêm lăng là đẹp hơn cả. Tôi thiết tưởng cái thể chế khi phiền, vẻ nhân công nhiều hơn vẻ thiên thú. Mới bước chân vào trông như một tòa thành quách nguy nga, ngổn ngang chồng chất những cung cùng điện, những gác cùng lầu, không nhận biết cái thể chế thế nào. Nếu cứ xét từng cái lầu, từng cái gác, từng cái cung, từng cái điện một thì rất là đẹp, nhưng bấy nhiêu cái họp lại một nơi thì trông ra bề bộn quá. Cung ở bên hữu lăng, chung quanh xây tường, mặt trước mở một cửa tam quan trên đặt mấy từng lầu, trong cửa là Hòa khiêm điện, tức là chỗ thờ Ngài. Phàm tên các cung điện ở sở Khiêm này đều đặt có chữ Khiêm cả. Hai bên tả lăng hữu lăng gọi là Thề Khiêm và Pháp Khiêm. Phía bắc điện Hòa Khiêm lại có một điện nữa tên là Lương Khiêm điện, bên đông là Minh Khiêm đường, bên tây là Ôn Khiêm đường. Đằng sau, bên tả bên hữu đặt hai viện gọi là Tòng Khiêm và Dụng Khiêm. Sau nữa là Ích Khiêm các. Lại bên tả cửa cung dựng nhà Chí Khiêm đường, bên hữu đường dựng hai viện: Y Khiêm và Trì Khiêm. Ở ngoài cửa cung nhớn đặt hai cái nhà vuông gọi là Cung Khiêm và Công Khiêm. Trước cửa cung có cái hồ gọi là Khiêm hồ, trên xây hai cái tạ: Dũ Khiêm tạ và Xung Khiêm tạ. Trong hồ có cái đảo gọi là Khiêm đảo, trên đảo dựng ba cái đình: Nhã Khiêm, Tiêu Khiêm và Lạc Khiêm. Bên tả hồ bắc ba cái cầu: Tuần Khiêm, Tiền Khiêm, Do Khiêm, v.v. Ấy sau tra sách mới biết rõ các tên như thế, chớ khi đứng trong lăng thì trông trước trông sau đều có nhà cả, không thể nhận được nơi nào sở nào, đằng trước hay đằng sau, bên tả hay bên hữu. Xây dựng nhiều quá thế thực là phiền vậy. Nhìn cơ ngơi ấy đủ biết ông vua sáng lập ra là người hiếu kỳ, càng làm càng muốn cho kỳ mãi ra, mà để đến khi làm xong cũng vẫn chưa mãn ý. Sánh nơi Khiêm lăng này với nơi Thiên Thụ trên kia thì biết cái tinh thần của hai ông vua khác nhau là nhường nào! Đại để từ lăng Thiên Thụ, qua Hiếu lăng, Xương lăng, đến Khiêm lăng, cái hư văn càng xuống càng thịnh, mà cái vẻ thuần phác hùng hồn lúc đầu càng mất dần đi vậy. Lấy lịch sử mà chứng thì sự biến thiên trong tinh thần ấy cũng có quan hệ đến quốc vận nhiều. Nước ta sở dĩ yếu hèn chẳng phải là phần nhiều bởi cái tính hiếu hư văn rư? Khi ở trên sở Khiêm xuống đò về thì vừa nhọ mặt người. Giời vẫn mưa, không dứt hột, quần áo ướt đẫm cả, nhưng cũng cam tâm rằng ngày hôm ấy mắt đã được trông, chân đã được bước vào mấy cảnh thiêng liêng của cố quốc, xưa nay vẫn thường mộng tưởng đã lâu ngày.


Đã được xem các Tôn lăng rồi, tôi còn có một cái hi vọng nữa: là muốn vào xem trong Nội. Nhưng nghe nói vào trong Nội khó lắm, có người bảo phải có giấy tòa Khâm mới được. Tôi bèn vào hầu quan Đổng lý phủ Khâm sứ xin ngài cho cái giấy phép. Ngài tiếp rất ân cần, nhưng ngài nói rằng xưa nay không có người An Nam nào xin vào xem trong Nội, vả tòa Khâm chỉ ban giấy phép cho các ông tây mà thôi, ngài sẽ cho hỏi lại, thế nào bữa sau bảo cho biết. Bữa sau tôi tới hầu, ngài nói việc đó là thuộc về bên Bộ, bên Tòa không thể can thiệp vào. Bấy giờ tôi mới nghĩ lại mình là người An Nam mà xin phép bên Tòa thì cũng là sai cách thật. Tòa Sứ chỉ đảm nhận cho người Tây chớ không lẽ đảm nhận cho cả người An Nam được. Tôi bèn sang hầu quan Tham Cơ mật, Đặng đại nhân, trước vẫn đã biết tiếng ngài và đã từng đọc những bài trước thuật của ngài trong sách biên tập hội “Đô thành hiếu cổ xã”. Ngài người rất nhã nhặn, lập tức giới thiệu tôi cho quan tham Lễ, Bửu đại nhân, vì việc đó là thuộc về bộ Lễ. Quan tham Lễ lại quá yêu thân hành đưa đi xem, và cắt nghĩa cho từng tí. Vậy cái hi vọng tôi mà sở dĩ thành được, thực là nhờ hai quan tham vậy. Xin có nhời đa tạ hai ngài.


Tôi được xem Thái Miếu, Thế Miếu, điện Phụng Tiên, điện Thái Hòa, Cần Chánh, Kiều Thành. Điện Cần Chánh hiện đương chữa lại, nên từ đấy giở vào không được xem kỹ. Thái Miếu là thờ các vua cùng các hoàng hậu từ trước đức Gia Long. Thế Miếu là thờ từ đức Gia Long giở xuống. Có miếu chính để “cát tế”, nghĩa là tế những ngày tuần tiết sóc vọng, lại có miếu phụ để “hung tế”, nghĩa là tế ngày giỗ. Ở Thế Miếu, hai bên tả vu hữu vu lại có tòng miếu thờ các công thần hồi Trung hưng. Ngoài sân bầy chín chiếc đỉnh nhớn bằng đồng, trông rất là vĩ đại. Mỗi đỉnh có tên riêng: chính giữa là Cao đỉnh, tả thứ nhất là Nhân đỉnh, hữu thứ nhất là Chương đỉnh, tả thứ nhì là Anh đỉnh, hữu thứ nhì là Nghị đỉnh, tả thứ ba là Thuần đỉnh, hữu thứ ba là Tuyên đỉnh, tả thứ tư là Dũ đỉnh, hữu thứ tư là Huyền đỉnh. Mỗi chiếc nặng bốn nghìn cân ta, có khắc hình tượng mặt giời, mặt giăng, núi sông, hoa cỏ, các giống vật, vân vân. Nhiều đồ đẹp nhất là trong điện Phụng tiên. Vàng ngọc châu báu chẳng thiếu vật gì, bầy chật mười cái tủ kính. Nghe nói hồi Kinh thành thất thủ đã mất mát đi nhiều, không thời còn lắm đồ quí hơn nữa. Lạ nhất thì có cây “thiên gia bách bảo thụ”, tức ta gọi nôm là cây vàng lá ngọc. Cây cao ước hơn một thước ta, để trong cái hộp bằng mặt kính. Cành cội toàn bằng vàng, mà hoa lá thì bằng các thức ngọc báu, mỗi cái một thứ, không cái nào giống nhau: chân châu, kim cương ngọc khuê, ngọc bích, ngọc lưu li, san hô, đồi mồi, v.v. Những đồ cống vật bằng pha lê, bằng sứ tây cũng nhiều. Điện Thái Hòa ở trong cửa Ngọ Môn là nơi đặt đại triều ở đấy. Sơn son thếp vàng lồng lộng, giữa chỉ để một cái ngai vàng, trông rất là tôn nghiêm. Ngoài là cái sân rộng có bệ rồng, các quan văn võ đứng chầu ở đấy. Trước sân là hồ Thái dịch, có đồng trụ, có phường môn, cầu bắc ở giữa. Đứng trong điện trông ra ngoài sân bát ngát, tưởng tượng những buổi triều yết thì cái nghi vệ đẹp biết chừng nào! Trong điện Thái Hòa, sau Đại Cung Môn, có hai bên tả vu hữu vu đặt làm phòng khách phòng ăn theo lối Tây để những khi tiếp các quí quan. Vào trong là Cần chánh điện hiện đương chữa,hai bên là Văn Minh Điện và Võ Hiển Điện. Những khi thường triều thì hay đặt ở điện Văn Minh. Vào trong nữa là Kiền thành điện, nhưng đến đấy thì thôi, trong là Tử Cấm Thành, người ngoài không được phép vào. Khi giở ra quan Tham giắt vào qua Nội vụ, rồi chỉ cho xem cái rạp hát, những khi hội tiệc Hoàng Thượng thường ra coi hát ở đấy.


Bắt đầu đi từ mười giờ, đến ngót mười hai giờ mới ra về. Ấy là mới xem thiệp liệp ở ngoài, chớ trong còn nhiều cung điện nữa. Nhưng đó là nơi Chí tôn, kẻ thường ai dám bước chân vào đấy? Thành cao cửa kín, cái hồn Nam Việt hơn trăm năm nay vẫn phảng phất ở đâu chốn này. Trung gian vận nước có lúc biến thiên mà hồn cũ không bao giờ tiêu diệt. Ngày nay gặp hội thái bình, cái hồn cũ tất trai trẻ tinh anh thêm ra để dun dủi quốc dân vào đường văn minh tiến hóa. Đó là cái hi vọng tối cao tối thiết của mấy trăm vạn đồng bào ta vậy.

Wednesday, December 03, 2008

The Structure of Vietnam-China Relations, 1991-2008


Carlyle A. Thayer*


Introduction


Much of the scholarly work that focuses on relations between Vietnam and China stresses the importance of bilateral relations (Amer 2004a and 2008, Vuving 2005 and 2006a and Womack 2006). This paper extends the framework of analysis to include the key multilateral and bilateral structures that influence this relationship. The paper is divided into three parts. The first deals with bilateral structures, the second considers multilateral structures and the third focuses on the interplay of multilateral and bilateral structures in fostering economic cooperation and managing territorial disputes.


Part one discusses the structure of bilateral relations since 1999-2000 when long-term cooperative framework agreements were reached between party and state officials. These agreements led to the creation of expert- and government-level working groups to consider key issues in dispute such as the land border, Gulf of Tonkin and the South China Sea (Amer 2008: 12). The long-term cooperative framework also resulted in the exchange of delegations led by high-level party and state officials.

Part two stresses the importance of multilateral structures and multilateral agreements negotiated by the Association of South East Asian Nations (ASEAN) with China prior to and after Vietnam’s membership. Among the structures and agreements considered: ASEAN-China Joint Cooperation Committee and the Strategic Partnership for Peace and Prosperity and Plan of Action (2005-2010). Part two also considers the influence of the ASEAN Regional Forum (ARF) on Vietnam-China relations.

Part three reviews a number of issues relating to Sino-Vietnamese cooperation in the Greater Mekong Subregion (GMS), Gulf of Tonkin and South China Sea and evaluates the impact of multilateral and bilateral structures in dealing effectively with these issues. The paper concludes by noting the importance role of high-level leadership meetings, including the Joint Steering Committee on Cooperation, as key structures in the management of Vietnam-China relations.
Finally, the conclusion offers a net assessment of what the structure of Vietnam’s bilateral and multilateral relations with China reveals about Vietnam’s strategy for dealing with its northern neighbour. This section critically reviews five major strategies identified in the scholarly literature: balancing, hedging, bandwagoning, engagement and omni-enmeshment.

Part 1. Bilateral Relations
After more than a decade-long estrangement (1978-89), leaders from Hanoi and Beijing met in southern China in September 1990 and agreed to normalize bilateral relations. China and Vietnam resumed high-level political contact in November 1991, pointedly only after Vietnam had agreed to a comprehensive political settlement in Cambodia. In early 1999, bilateral political relations were codified at a meeting of party leaders held in Beijing.[1]

In the period between normalization of relations and the codification of political relations, Vietnam and China inaugurated discussions at the expert level to work out a settlement of their disputes regarding the land border and Gulf of Tonkin. The first expert-level discussions were held in October 1992. A year later, government-level talks led to agreement on the principles for the settlement of territorial disputes. The land border and Gulf of Tonkin disputes were separated and each assigned to a specialist joint working group. The joint working group on land issues first met in February 1994 and concluded in December 1999 after sixteen meetings when Vietnam and China signed a treaty on the land border. The joint working group on the Gulf of Tonkin first met in March 1994 and held seventeen meetings before reaching agreement. Expert-level discussions on maritime issues (eg. the South China Sea) commenced in November 1995.


In December 2000, Vietnam and China signed two important documents, the Agreement on the Demarcation of Waters, Exclusive Economic Zones and Continental Shelves in the Gulf of Tonkin and the Agreement on Fishing Cooperation in the Gulf of Tonkin. More importantly, Vietnam and China issued a Joint Statement for Comprehensive Cooperation in the New Century.’[2] This document set out the structure of bilateral relations through a long-term framework for cooperation. Vietnam and China established a Joint Commission for Economic and Trade Cooperation to handle their economic relations. By January 2008, the Joint Commission had met six times.

It is notable that China also negotiated similar agreements with all the other regional states. Between February 1999 and December 2000, for example, China negotiated long-term cooperative framework arrangements with the other nine ASEAN members.[3] Generally these took the form of joint statements signed by foreign ministers or vice premiers.

Defence Cooperation. Six of China’s long-term cooperative framework agreements included a reference to security cooperation (Thailand, Malaysia, Brunei, Singapore, the Philippines, and Laos). Subsequently, several of these long-term framework agreements have been enhanced through additional joint declarations and/or memoranda of understanding. It is notable that no defence clause was included in the Sino-Vietnamese agreement, perhaps because of the contentious nature of unresolved territorial disputes in the South China Sea. According to the Vietnam-China joint statement, ‘[b]oth sides will refrain from taking any action that might complicate and escalate disputes, resorting to force or making threats with force’.

Table 1
Exchange Visits by Defence Ministers,
November 1991-September 2008
To China
To Vietnam
July 1991
Le Duc Anh
May 1993
Chi Haotian
December 1992
Doan Khue
February 2001
Chi Haotian
June 1998
Pham Van Tra
April 2006
Cao Gangchuan
July 2000
Pham Van Tra

October 2005
Pham Van Tra

August 2007
Phung Quang Thanh

Defence contacts between Vietnam and China were first opened with the exchange of delegations by the external relations departments of their respective defence ministries in February and May 1992, respectively. Data for the period since normalization in November 2001 to September 2008 reveals an imbalance in the exchange of delegations at the ministerial level. Vietnam’s defence minister visited China five times, while China’s defence minister has made only three visits to Hanoi (see Table 1). The exchanges at the level of vice minister, Chief of the General Staff, and General Political Department are more balanced. Contact at the level of service chiefs has been confined to one visit by the PLA Navy Air Force in 1997.

China and ASEAN members carried out seventy-one bilateral high-level defence visits in the period from 2002 to 2006. Sixteen were ministerial level visits. Reciprocal visits by defence ministers were conducted by China with five countries including Malaysia, the Philippines, Singapore, Thailand and Vietnam. Vietnam and China exchanged nine high-level delegations during this period. Between 2001 and 2006, China and Southeast Asia conducted eleven naval goodwill visits involving seven regional states. Chinese warships visited Vietnam, Singapore (twice), Thailand and Brunei. The Chinese visit to Vietnam took place in November 2001 when a People’s Liberation Army Navy (PLAN) Jiangwei-II guided missile frigate visited Ho Chi Minh City. The Vietnamese navy has yet to make a return visit.

Defence relations between China and Vietnam appear almost entirely focused on exchanges of views on ‘army-building’, regional security, ideological matters and border security issues. Since the normalization of relations both China and Vietnam have undertaken to de-mine and to dispose of unexploded ordnance in their frontier area. Since the signing of a treaty on their common border in 1999, both sides began to physically demarcate this area. In April 2005, China and Vietnam also commenced extremely low-key ‘consultations on defensive security’ in Beijing.[4]

In July 2005, President Tran Duc Luong made an official five-day state visit to China at the invitation of President Hu Jintao. The two leaders reaffirmed their commitment to step up joint development and negotiations for a Code of Conduct for the South China Sea (Montaperto 2005c). The joint statement significantly declared, ‘between now and the end of 2005, the two sides will conduct joint investigation on fishery resources in joint fishing areas, so as to strive for launching joint patrols in Beibu Bay (Gulf of Tonkin) by the two navies and start the negotiation of the demarcation of the sea areas beyond the mouth of Beibu Bay (Gulf of Tonkin) as early as possible.’[5]

In October 2005, the Chinese and Vietnamese Defence Ministers, Cao Gangchuan and Pham Van Tra, respectively, reached agreement on the conduct of joint naval patrols in the Gulf of Tonkin. The purpose of the patrols was to strengthen cooperation between the two navies and maintain security of the fishing and oil exploration activities in this area. The defence ministers tentatively discussed cooperation between their national defense industries.[6]

During the first quarter of 2006, Hanoi received Jia Qinglin, a member of the Politburo Standing Committee, and Defence Minister, Cao Gangchuan (Sutter 2006). Cao came to complete arrangements for joint naval patrols and to promote China’s military technology and professional training.[7] Cao was also briefed on the tenth party congress. On 27th April, the Chinese and Vietnamese navies conducted their first joint patrol in the Gulf of Tonkin. This was a first for the PLAN. Vietnam’s new Defence Minister, Phung Quang Thanh, made a return visit to Beijing in August to discuss cooperation between national defence industries and reciprocal training of high-level military officers.[8]

Party Secretary General Nong Duc Manh made an official visit to Beijing from 22-26 August. 2006. The state media noted that this was his first overseas trip since his re-election as party leader. Manh and his counterpart, Hu Jintao, agreed to boost trade, speed up border demarcation by the end of 2008, and step up discussions on the South China Sea (Sutter and Huang 2006b). The two leaders also reached agreement on joint projects in energy development, particularly in the Gulf of Tonkin.[9] The joint communiqué noted that ‘both sides spoke positively of… the joint patrol conducted by the navies of the two countries in the Tonkin Gulf’.[10]

In October 2006, Vietnam’s Minister of Public Security visited Beijing to follow up on proposals for security cooperation. Later that month, Lt. General Le Van Dung, head of the Vietnam People’s Army General Political Department, journeyed to China to discuss professional military education and training exchanges.[11] General Dung’s visit to the National Defence University in Beijing suggested that Vietnam would send military officers there in the future.

In late October-early November, China commemorated the fifteenth anniversary of the establishment of dialogue relations with ASEAN by hosting a gala summit of heads of government in Nanning.[12] Prime Minister Nguyen Tan Dung attended and held a separate high-level meeting with Premier Wen Jiabao on 31st October. They agreed to complete negotiations on a framework treaty on economic and trade cooperation.[13] Further, they reached accord to complete the delineation of the land border by 2008 and to step up negotiations on demarcation of maritime waters outside the Tonkin Gulf. They also discussed major joint construction projects involving upgrading rail and road links. The first meeting of the Steering Committee on Vietnam-China Bilateral Relations was convened on 11th November in Hanoi at deputy prime ministerial level.

President Hu Jintao made a separate state visit to Vietnam (15-17 November) in conjunction with his attendance at the Asia-Pacific Economic Cooperation (APEC) summit. During his visit China and Vietnam signed a framework agreement on economic and trade cooperation and a memorandum of understanding on the ‘two corridors, one circle’ cooperation.[14] The two leaders also agreed to accelerate cooperation over a broad range of issues including joint exploration for oil and gas in the Gulf of Tonkin. Finally, both leaders discussed their territorial disputes in the South China Sea (Sutter and Huang 2006c).

President Nguyen Minh Triet made a return visit to Beijing in May 2007. Triet and Hu reviewed bilateral economic and political relations (Suter and Huang 2007b). They reached agreement on the value of continued high-level visits and the efficacy of the Joint Steering Committee on Cooperation. A joint statement issued after their discussions affirmed the leaders’ commitment to complete the demarcation of the land border by 2008 and to step up joint oil and gas exploration in the Gulf of Tonkin. Both sides agreed to refrain from taking unilateral actions that would upset the status quo or exacerbate conflict in the South China Sea.

In August 2007, the Chinese and Vietnamese defence ministers, Cao Gangchuan and Phung Quang Thanh, signed an Agreement on Border Defence Cooperation between their respective ministries.[15] On 8th November, the border defence agreement came into force. It set out the ‘basic principles on the coordinating relationship, information regulations and the responsibility of the two countries’ border protection and management forces.’[16]


Since normalization of relations in 1991, Vietnam and China have created a dense network of mechanisms to manage their bilateral relations. Based on the 1999 party-to-party agreement and the 2000 joint declaration on comprehensive cooperation in the new centuryg, Vietnam and China have signed fifty-four state-level agreements and fifty-nine bilateral cooperation documents. By 2008, Vietnam and China now exchange more than one hundred delegations at all levels annually including the regular exchange visits by party leaders, prime ministers/premiers and other key ministers (foreign affairs, defence, public security etc.).

In 1993 Vietnam and China reached agreement on the basic principles to manage their common border and maritime territory. This led to agreement on demarcating the land border in 1999 and the Gulf of Tonkin in 2000. By 2008 China and Vietnam put in place approximately eighty-five percent of the approved border markers. A border management treaty is currently under negotiation. The agreement on the Gulf of Tonkin was accompanied by an agreement on fishing cooperation. Subsequently, in 2004, both sides negotiated a protocol on a joint fishing area and agreed to joint naval patrols.

Part 1 has stressed the importance of this network of joint agreements in structuring the bilateral relationship. Key documents provide for the regular exchange of high-level visits by party and state leaders that have proven to be effective in addressing pressing issues. Part 2 will extend this analysis to a consideration of multilateral structures that influence the management of relations between Vietnam and China.


Part 2. Multilateral Structures

This section discusses the structure of Vietnam’s relations with China through Vietnam’s membership in three multilateral institutions: ASEAN, the ASEAN Regional Forum and the Greater Mekong Subregion.

Association of Southeast Asian Nations. Formal linkages between China and ASEAN date to 1991 when Foreign Minister Qian Qichen attended the 24th ASEAN Ministerial Meeting in Kuala Lumpur as a guest of the Malaysian government. Qian expressed China’s interest in developing cooperation in the field of science and technology. ASEAN responded positively and in September 1993 dispatched ASEAN Secretary General Dato Ajit Singh to Beijing to follow up on Qian’s proposal. Singh held discussions with Vice Foreign Minister Tang Jiaxuan. In July 1994, ASEAN and China reached formal agreement to establish two joint committees — one on science and technology cooperation and the other on economic and trade cooperation. ASEAN and China also agreed to open consultations on political and security issues at the senior official level. The first ASEAN-China Senior Officials Meeting was held in Hangzhou in April 1995. Vietnam joined ASEAN in July 1995 and assumed the obligation to honour all past ASEAN agreements with China.

In 1996, China was accorded official dialogue partner status by ASEAN. As an ASEAN dialogue partner, China commenced regular participation in the annual ASEAN Post-Ministerial Conference consultation process. This took the form of a meeting between ASEAN and its ten dialogue partners (ASEAN Ten Plus Ten), and a separate meeting between ASEAN members and each of its dialogue partners (ASEAN Ten Plus One). In February 1997, ASEAN and China formalized their cooperation by establishing the ASEAN-China Joint Cooperation Committee (ACJCC). The ACJCC first met in Beijing where it was agreed that it would ‘act as the coordinator for all the ASEAN-China mechanisms at the working level’[17]

In December 1997 at the 2nd Informal ASEAN Summit in Kuala Lumpur, ASEAN initiated a new process with the heads of state/government from China, Japan and South Korea that has since become known as the ASEAN Plus Three process. ASEAN also met separately with each head of state/government. After the ASEAN-China meeting the leaders issued a joint statement that ‘reaffirmed their common interest in developing the Mekong Basin and pledged to strengthened their support for the riparian countries by promoting activities in the areas of trade, tourism and transport.’[18]

Three years later at the 4th ASEAN Informal Summit held in Singapore in November 2000, China’s Premier Zhu Rongji announced a major commitment to the development of the Mekong. At the next ASEAN summit in Brunei in November 2001, ASEAN endorsed the creation of a free trade area with China. China, for its part, proposed five areas of cooperation including development of the Mekong River basin.

China-ASEAN relations progressed to a new stage in November 2002 with the signing of three major documents: Framework Agreement on Comprehensive Economic Cooperation Between ASEAN Nations and the People’s Republic of China, Joint Declaration between China and ASEAN on Cooperation in Non-Traditional Security Fields, and Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea (DOC).

The first agreement laid the foundations for the China-ASEAN Free Trade Area. The joint declaration on non-traditional security was formalized in a Memorandum of Understanding (MOU) in January 2004.[19] A major advance towards the free trade area was taken in January 2007 when China and ASEAN signed the Agreement on Trade in Services at their tenth summit in Cebu, the Philippines. Originally, ASEAN sought to negotiate a Code of Conduct for the South China Sea. China resisted ASEAN diplomatic pressure to agree to a formal legally-binding code. Nevertheless, China and ASEAN were able to develop unprecedented cooperation under the umbrella of the DOC (see below for further discussion).

Strategic Partnership for Peace and Prosperity. In October 2003, China’s zone of interaction with ASEAN was substantially enhanced when China acceded to the ASEAN Treaty of Amity and Cooperation (Thayer forthcoming). The two parties then issued a joint declaration establishing an ASEAN-China strategic partnership. The joint declaration was the first formal agreement of this type between China and a regional organization, as well as a first for ASEAN itself. The joint declaration was wide-ranging and included a provision for the initiation of a new security dialogue as well as general cooperation in political matters.[20]

In July the following year, State Councilor Tang Jiaxuan raised the prospect of developing ‘enhanced strategic relations’ with ASEAN in his discussions with Secretary General Ong Keng Yong in Beijing. As a result, in late 2004, China and ASEAN drafted a five-year Plan of Action (2005-2010). This plan included, inter alia, a joint commitment to increase regular high-level bilateral visits, cooperation in the field of non-traditional security, security dialogue and military exchanges and cooperation.[21] The Plan of Action set out the following objectives:

· Promote mutual confidence and trust in defense and military fields with a view to maintaining peace and stability in the region;
· Conduct dialogues, consultations and seminars on security and defense issues;
· Strengthen cooperation on military personnel training;
· Consider observing each other’s military exercises and explore the possibility of conducting bilateral or multilateral joint military exercises; and
· Explore and enhance cooperation in the field of peacekeeping.

ASEAN has been reluctant to advance military cooperation with China too quickly. In May 2004, during the course of a visit to Beijing by Malaysia’s new prime minister, Abdullah Badawi, his Chinese counterpart, Premier Wen Jiabao, suggested they consider a joint undertaking to maintain the security of sea lines of communication through the Malacca Strait. This proposal was pressed the following month by Senior Colonel Wang Zhongchun, deputy director of China’s National Defense University. In a paper presented to the China-ASEAN forum in Singapore, Wang proposed joint naval exercises and patrols and intelligence exchanges on terrorism. According to one analyst, Wang’s proposal was received coolly and with considerable skepticism by the audience (Montaperto 2004a).[22]

In September 2003, Wu Bangguo, chairman of the Standing Committee of the National People’s Congress, reiterated a proposal for joint oil exploration and development in areas of overlapping claims in the South China Sea. Early the following year, ASEAN and China agreed to set up a Joint Working Group to implement the DOC. In November 2004, at the 8th China-ASEAN Summit, Premier Wen Jiabao restated China’s long-standing proposal to shelve disputes in the South China Sea ‘while going for joint development.’ This led to a major break through on March 14, 2005 when the national oil companies of China, the Philippines and Vietnam signed an agreement to conduct joint seismic testing in the South China Sea.[23]

In April 2005, ASEAN and China held their eleventh Senior Officials Meeting. Vice Foreign Minister Wu Dawei stressed that the ASEAN-China strategic partnership was vital for regional security and that China supported ASEAN’s leading role in regional multilateral cooperation (Montaperto 2005b). More significantly, China agreed to participate on the Working Group on Implementing the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea.

In July 2005, President Hu Jintao reiterated China’s decade old call for joint development during the course of state visits to Brunei, Indonesia and the Philippines.[24] At the same time, China and ASEAN officially set up the Joint Working Group on the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea and charged it with recommending measures to implement the agreement. The Working Group held its second meeting in Hainan in February 2006. In light of deadly pirate attacks on Chinese fishing vessels in May, China, the Philippines and Vietnam agreed to strengthen security cooperation in the South China Sea.[25]

The ASEAN-China strategic partnership was taken a step forward with the holding of the first workshop on regional security between defence officials in Beijing in July 2006. This workshop discussed maritime cooperation, humanitarian assistance and disaster relief, counter terrorism and peacekeeping operations (Sutter and Huang 2006b).

In October 2006, ASEAN and China also held a heads of government Commemorative Summit in Nanning to mark the fifteenth anniversary of China’s status as a dialogue partner. Premier Wen Jiabao called for the expansion of military dialogue and exchanges and defence cooperation in such fields as maritime security, counter terrorism, humanitarian assistance and disaster relief, transnational crime and the spread of infectious disease (Sutter and Huang 2006c).

In the joint statement all parties reaffirmed their commitment to the creation of an China-ASEAN Free Trade Area by 2010. Trade in goods was to be liberalized between China and the six oldest ASEAN members by that date, while the newest members (Cambodia, Laos, Myanmar and Vietnam) were given until 2015. Ten priority areas were identified including the development of the Mekong Basin (Sutter and Huang 2006c). Finally, the leaders pledged to implement the 2002 DOC and to promote joint economic development in the South China Sea.

By the end of 2006, ASEAN and China had concluded twenty-eight ‘cooperation framework mechanisms,’ including regular consultations between senior officials on strategic and political security cooperation, a yearly conference of foreign ministers, and an annual summit meeting of government leaders (Sutter and Hoang 2006b). These developments provided a foundation for the potential development of security and defense cooperation in the future.


The 11th China-ASEAN and ASEAN Plus China summits were held in Singapore in November 2007. Premier Wen Jiabao’s keynote speeches reiterated staple themes of Chinese foreign policy (Sutter and Huang 2007d). Wen urged his Southeast Asian counterparts to step up cooperation and joint development in the South China Sea under the umbrella of the 2002 DOC. He also repeated China’s call for closer military cooperation in dealing with non-traditional threats to security. Wen also suggested exchanges among national defence academies. And, in a relatively new development, Premier Wen called for the setting up of a joint expert group to study proposals for pan-Beibu (Tonkin) Gulf economic cooperation.[26]

In March 2008, China-ASEAN military cooperation took a step forward when China hosted a high-level meeting of ASEAN senior defence officials and scholars (Sutter and Huang 2008a). The focus of the meeting was on building China-ASEAN regional and military confidence. Regional anxieties about China’s increased defence spending and force modernization was voiced by an Indonesian official who called on China to be more transparent and not to use its increased capabilities to threaten regional states.

When Vietnam joined ASEAN in July 1995 it agreed to adhere to all multilateral arrangements entered into between ASEAN and China. After joining ASEAN, Vietnam participated in ASEAN’s consensual decision-making process in shaping future relations with China. The structure of ASEAN-China relations thus forms an important part of Vietnam’s framework for the conduct of bilateral relations with its northern neighbour.

ASEAN Regional Forum. Vietnam was a founding member of the ASEAN Regional Forum in 1994. The ARF provides a multilateral framework for Vietnam’s defence-security relations and interaction with China and other major powers.

When China first joined the ASEAN Regional Forum it was highly suspicious about multilateral activities that might curtail its national sovereignty. Over time, however, China has come to embrace multilateral security cooperation under the auspices of the ARF (Ba 2006). China has taken a particularly active role in the ARF’s inter-sessional work program related to confidence building measures. In March 1997, for example, China hosted the Inter-Sessional Group on Confidence Building Measures, and did so again in November 2003.

In 1997, China sent representatives to the ARF meeting of Heads of Defense Colleges and hosted the 4th ARF meeting of the Heads of Defense Colleges in September 2000. This meeting was opened by Defence Minister Chi Haotian, who argued that the ARF’s stress on dialog and consultation represented a ‘new security concept’ and the trend of ‘multi-polarization’ in the region. Chi noted that regional flash points still existed, ‘hegemonism and power politics have shown new traces of development’ and ‘democracy and human rights’ were being used as excuses for intervention, and separatism was gaining ground. All these will endanger or jeopardize the security and stability of the region. That’s why we advocate that all countries adopt the new security concept built upon equality, dialogue, mutual confidence and cooperation.[27]


In 2000, China also contributed for the first time to the ARF’s Annual Security Outlook and began providing voluntary briefings on regional security.

While China’s participation in the ARF’s program of confidence building measures has evolved over time, China’s endorsement of preventive diplomacy has been more circumscribed. In a Defence White Paper issued in late 2000, China provided this cautious assessment:
China holds that the ARF should continue to focus on confidence-building measures, explore new security concepts and methods, and discuss the question of preventive diplomacy. At the same time, it believes that the parties concerned should have a full discussion first on the concept, definition, principles and scope of preventive diplomacy in the Asia-Pacific region and reach consensus in this regard (People’s Republic of China 2001).

According to one China analyst ‘two of the defining features of that document [the 2000 Defence White Paper] were the emphasis on the dominance of peace and development as forces driving global development and a corollary imperative toward implementing external policies based upon multilateral cooperative approaches’ (Montaperto 2004b). Since 2000, China has consistently promoted its new security concept as the preferred framework for multilateral cooperation. In July 2002, for example, China outlined its new security concept in a position paper presented to the annual ARF ministerial meeting.

In 2003, China launched a major initiative to further its new concept of security. At the annual ARF ministerial meeting in Phnom Penh, China proposed the creation of a Security Policy Conference comprised of senior military and civilian officials at vice minister level drawn from all ARF members. The objective of this new security mechanism was to draft a security treaty to promote ‘peace, stability and prosperity’ in the region. Chinese officials said the new treaty would give equal attention to the concerns of all ARF members and guarantee security through united action rather than seeking ‘absolute security for oneself and threaten[ing] other parties’ security’ (Breckon 2003b).

China drafted and circulated a concept paper prior to hosting the first ARF Security Policy Conference in November 2004 (Dillon and Tkacik 2005). Premier Wen Jiabao opened the conference to underscore China’s commitment to multilateral security cooperation. Delegates to this inaugural conference agreed to start modestly by considering new channels of communication to deal with counter terrorism and non-traditional threats (Montaperto 2004b).
At the 11th ARF Ministerial Meeting in 2004, China tabled a series of proposals for the future development of the ARF. These were later summarized as follows:

To maintain its forum nature and adhere to the basic principles of decision-making through consensus, taking an incremental approach, and moving at a pace comfortable to all members so as to encourage the initiative and active participation of all members; to continuously strengthen and consolidate confidence-building measures (CBMs) while actively addressing the issue of preventive diplomacy, so as to gradually find out cooperative methods and approaches for preventive diplomacy that are suitable to the region and fitting the current needs; to increase participation of defense officials, promote exchanges and cooperation among militaries of the countries concerned and give full play to the important role of the militaries in enhancing mutual trust; to highlight cooperation in non-traditional security fields such as counter-terrorism and combating transnational crimes (People’s Republic of China 2004).

In December 2004 China issued another Defense White Paper. It identified five main areas of international security cooperation: strategic consultation and dialogue; regional security cooperation; cooperation in non-traditional security fields, participating in United Nations peacekeeping operations; and military exchanges. Chapter nine highlighted the importance China placed on its interaction with ASEAN and the ASEAN Regional Forum.

The Defense White Paper also set out Beijing’s policy on international cooperation in the area of defense-related science, technology and industry including the export of military products and related technologies. According to this document, China’s exports in this sensitive area were governed by three principles: ‘It should only serve the purpose of helping the recipient state enhance its capability for legitimate self-defense; it must not impair peace, security and stability of the relevant region and the world as a whole; and it must not be used to interfere in the recipient state’s internal affairs’ (People’s Republic of China 2004, chapter seven).

The 13th ARF annual meeting was held in Kuala Lumpur in July 2006. China played an important role on the major issues of the day (North Korean missile tests and Myanmar). China demonstrated once again that the ARF remained its preferred multilateral forum for the discussion of regional political and security issues (Sutter and Huang 2006b). At the 14th ARF annual meeting in Manila in August 2007, Foreign Minister Yang Jiechi once again stressed China’s ‘new security concept.’ Yang also revived an old theme to warn against the actions of states (read the United States and Japan) that sought to ‘reinforce bilateral military alliances’ and seek ‘absolute military superiority’ (Sutter and Huang 2007c).

Greater Mekong Subregion. The Mekong River passes through six countries: China, Myanmar, Laos, Thailand, Cambodia and Vietnam. All riparian countries view the Mekong as a major resource for food, transport and energy to be utilized for national economic development. China’s rise and rapid economic growth is widely viewed as both an opportunity and a challenge for downstream states, all of whom are members of ASEAN. ASEAN and China have committed themselves to creating a free trade area. It would seem to be in the national interests of all six countries to minimize conflict over the Mekong’s shared resources by cooperating in water management and engaging in joint development. Cooperation over the Mekong should contribute to development, economic integration and regional security.

There are two major multilateral institutions that are concerned with the development of the Mekong River and its surrounding area. The Greater Mekong Subregion (GMS) was created in October 1992 on the initiative of the Asian Development Bank, while the Mekong River Commission (MRC) was formed in 1995.[28] China is not a member of either the GMS or MRC. The lack of official participation by the central Chinese government severely hampers the effectiveness of both these institutions. China claims sovereignty over the Upper Mekong (Lancang Jiang) and views the construction of a cascade of dams its own internal affair despite the potentially devastating impact downstream.

The GMS includes Cambodia, Laos, Myanmar, Thailand, Vietnam and the Chinese province of Yunnan and Guangxi Zhuang Autonomous Region. The GMS work programme has passed through four phases: confidence-building (1992-94), identification of priority sectors (1994-96), project development (1996-2000) and project implementation (2000-present).

GMS decision-making was initially based on an annual ministerial-level meeting until 2002 when it was superseded by regular summit meetings. China hosted the 2nd GMS Summit in Kunming, Yunnan in July 2005. Premier Wen Jiabao in his keynote address to the summit reaffirmed China’s financial commitment to GMS programmes and tabled a seven-point plan to step up economic cooperation and infrastructure development (Montaperto 2005c). Wen also announced that preferential tariffs would be granted to goods from Cambodia, Laos and Myanmar.

It is significant to note that cooperation under GMS auspices is not undertaken on the basis of a formal treaty or other legally-binding obligation. Rather, GMS cooperation has become imbued with the norms of ‘the ASEAN Way’, that is, decision-making is informal and voluntary. Individual GMS members are permitted to undertake cooperative programmes without first obtaining the consent of all parties.

The GMS may be viewed as the sum of its mini-lateral cooperative programs. Agreed programmes are implemented by subregional coordinating committees, working groups and fora in nine sectoral areas: transportation infrastructure, telecommunications, energy development, environmental management, human resources development, trade facilitation, investment, tourism and agriculture.

It is beyond the scope of this paper to consider all forms of cooperation under the umbrella of the GMS. The GMS takes in a much wider geographical area than the Mekong River basin and thus provides a unique framework for cooperation between Vietnam and China to develop their respective border regions. Since the early 1990s, both China and Vietnam have included the development of border regions in their national development plans.

Cross-border cooperation involves the interplay of national and local authorities and has led to burgeoning trade as well as substantial development of energy, communications and transport infrastructure. Since 2004, for example, China has emerged as Vietnam’s largest trading partner with trade weighted heavily in China’s favour. Vietnam is Guangxi province’s most important trading partner. Vietnam buys electricity from Yunnan province’s power grid. The border crossing at Lao Cai-Hekou has developed into a substantial market, and land locked Kunming has access to the sea via a rail line that passes through Lao Cai to the port of Hai Phong. As noted above, in October 2004 Premier Wen Jiabao described the infrastructure linking China and Vietnam as ‘two corridors, one circle’.

In November 2004, China announced that it would increase funding to upgrade the rail line between Kunming and Hanoi. A year later, a new highway connecting Nanning and National Route 1 in Vietnam was opened. In 2007, China and Vietnam agreed to construct an economic cooperation zone astride the border at Pingxiang city, Guangxi and Lang Son province in Vietnam (Sutter and Huang 2007b). In March 2008, Vietnam and China signed a MOU to include the Nanning-Hanoi corridor and the Youyiguan-Huu Nghi Border Crossing Point under the umbrella of the GMS Cross-Border Transport Agreement. In May 2008, Vietnam hosted the first conference of the Joint Working Committee including officials from Cao Bang, Lang Son and Quang Ninh provinces and Guangxi Zhuang Autonomous Region. Two months later, Prime Minister Nguyen Tan Dung approved the construction of a six-lane expressway from Hanoi to Lang Son to connect with Guangxi. The net result of cross-border cooperation has been to facilitate the movement of Chinese goods beyond Vietnam to Southeast Asia.

Part 3. Issues in Sino-Vietnamese Cooperation

In October 2007, Hu Jintao, General Secretary of the Chinese Communist Party, speaking to the 17th party congress, introduced the concept of ‘harmonious world’ to replace ‘China’s peaceful rise’ and ‘China’s peaceful development’ as the major foreign policy theme of his tenure (for background see Zhang 2007). There were three major implications for Southeast Asia (Sutter and Huang 2007d). First, China sought to bolster its influence in the region by forging strategic partnerships with Southeast Asian states through economic integration and cooperation in non-traditional issues. Second, China sought to develop its southern region (Yunnan and Guangxi) by promoting the development of the Greater Mekong Subregion and pan-Beibu (Tonkin) Gulf. Third, China continued to support ASEAN and other regional organisations as long as they were beneficial to itself.[29]

Greater Mekong Subregion. Multilateral cooperation to develop the Mekong River Basin and the Greater Mekong Subregion is hostage to China’s absence from these two bodies, the participation of Yunnan province and Guangxi Zhuang Autonomous Region in the GMS notwithstanding. China commands the dominant position because it is the upstream state and by virtue of its economic power and growing military might. China has made it repeatedly clear that it rejects the principles of water management adopted by the MRC. The construction of a cascade of dams on the Upper Mekong (Langcang Jiang) reportedly is already impacting negatively on downstream states. If China continues with its plans to construct further dams, this will have potentially wide ranging impacts on water flow and the ecosystem including Vietnam’s rice basket, the Mekong Delta.


The MRC and GMS, although they share similar goals and objectives, pursue them by different means and structures. A recent study by Mark Buntaine (2007) concluded that China has deliberately fostered the development of overlapping non-hierarchical institutions in order to separate economic development from environmental issues. Buntaine terms this process ‘issue fragmentation’, that is, ‘China has used its position as a regional leader to focus policy coordination in institutions favourable to its interests, while fragmenting overlapping institutions through selective participation’ (2007). In other words, despite the growing economic interdependence of states comprising the Greater Mekong Subregion, Chinese actions have retarded the development of cooperative governance structures. Vietnam is thus unable to raise its concerns about seasonal waters flows into the Mekong Delta in either the MRC (of which China is not a member) or the GMS (because the focus is on cross-border trade and infrastructure development).

Gulf of Tonkin. In contrast to the Greater Mekong Subregion, Vietnam and China have been able to cooperate successfully in the Gulf of Tonkin. The foundation for Sino-Vietnamese cooperation rests on the 2000 agreement that delineated the maritime boundary by setting out precise map coordinates along a modified line of equidistance (Amer 2004: 332).[30] The agreement came into force in June 2004 with the signing of the supplementary protocol on the joint fishing area. In October 2004, Premier Wen Jiabao came to Hanoi to firm up fishing cooperation as well as to speed up the process of demarcation of the land border .

In January 2005, a reported shooting incident in the Tonkin Gulf that led to death of eight Vietnamese fishermen, highlighted the need to manage the common fishing zone (Thao and Amer 2007: 313). Despite this incident, in November 2005, the Vietnam Petroleum Corporation (PetroVietnam) and the China National Offshore Oil Corporation reached agreement to conduct joint exploration for oil and gas in the Gulf of Tonkin. On January 2007, Prime Minister Nguyen Tan Dung approved this agreement. As noted above, Vietnam and China conducted their first joint naval patrols in April 2006. Four additional patrols have been carried out since then: December 2006, July 2007, October 2007, and May 2008.


Secretary General Nong Duc Manh visited Beijing in late May-early June 2008 at the invitation of Hun Jintao, General Secretary of the Chinese Communist Party (Sutter and Huang 2008b). Their joint statement declared, ‘the two sides will continue to implement the [Gulf of Tonkin] Demarcation Agreement and the Agreement on Fishery Cooperation in the [Gulf of Tonkin] and carry out joint inspection in the fishing zone, joint survey of fishery resources, and joint naval patrols. The two sides will accelerate the implementation of the Framework Agreement on Oil and Natural Gas Cooperation in Agreed Zones in the [Gulf of Tonkin]…’[31]

Also, China and Vietnam have entered into discussions to delineate waters beyond the mouth of the Gulf of Tonkin. The fourth meeting on this issue was held in Beijing in January 2008.
South China Sea. The dispute between Vietnam and China over waters and features in the South China Sea has proved intractable. Despite progress over issues relating to the Gulf of Tonkin, overlapping claims to the South China Sea remain a constant irritant. In October 2004, after Premier Wen Jiabao’s successful visit to Hanoi, China’s Ministry of Foreign Affairs voiced ‘serious concern’ about Vietnam’s release of bids to explore for oil and gas in waters over its continental shelf (Montaperto 2004b). China claimed that Vietnamese actions went against earlier commitments. Vietnam nonetheless proceeded with the bidding process.

Minor incidents continued to crop up. In March 2005, China claimed that its fishermen in the South China Sea had been attacked by Vietnamese ‘sea robbers’ (Montaperto 2005a). China called on Vietnam to join with it to suppress maritime crimes. Two months later a Vietnamese cargo ship sank off the coast of Shanghai fueling speculation that it had been fired upon by Chinese naval forces which conducted naval maneuvers at that time. On May 12th, the Vietnamese Ministry of Foreign Affairs issued a statement declaring that China was not responsible for the ship’s loss (Montaperto 2005b).

Expert-level talks on maritime issues (South China Sea), which were inaugurated in November 1995, are still ongoing. Both sides have yet to agree on an agenda. Vietnam insists that both the Paracel and Spratly archipelagoes be included in the discussions. China insists that the Paracels be excluded and that the discussions focus on the Spratlys including disputed waters and continental shelf.

In April 2006, the 10th National VCP Congress adopted a resolution decreeing that Vietnam’s maritime areas should be developed with a focus on sectors that have comparative advantages ‘in order to develop a strong maritime economy, maintain national defence and security in a spirit of international cooperation’. This matter was considered by the fourth plenum of VCP the Central Committee that met in January 2007. Reports submitted to this meeting noted that there was no coherent plan to integrate the economic development of coastal areas with the exploitation of marine resources in Vietnam's territorial waters. Economists estimated that by 2020, the marine economy could contribute up to 55 percent of GDP and between 55-60 percent of exports if it were developed in a comprehensive manner.

The fourth plenum directed that a national Maritime Strategy Towards the Year 2020 be drawn up to integrate economic development with environmental protection and national defence and security. The Vietnam People’s Army was tasked with ‘defending territorial waters and safeguarding national sovereignty.’ The maritime strategy was completed by the end of the year but has not yet been released publicly.

Vietnam’s adoption of a new maritime strategy coincided with increased Chinese assertiveness in the South China Sea. China claims the waters and features that Vietnam seeks to develop. China has reportedly applied pressure on foreign firms that were likely to be involved in developing Vietnam’s maritime sector, warning them that their commercial operations in China might suffer if they became involved in developing areas claimed by China. In July 2008, for example, an ExxonMobile executive revealed that his company had come under Chinese pressure to scrap a preliminary exploration agreement with PetroVietnam.[32]

In March 2007, it was announced that British Petroleum (BP) and its partners had submitted plans to the Vietnamese Ministry of Industry to invest US $2 billion in a major expansion in gas and power over the next decade. These plans included installing at least two natural gas pipelines connecting off shore deposits in two new gas fields, Moc Tinh and Hai Thach, in the Nam Con Son basin in the South China Sea. BP’s plans also included the construction of a power plant in Nhon Trach in Dong Nai province.[33] BP currently maintains the only operational pipeline which connects the Lan Tay-Lan Do gas field in the Nam Con Son basin to the Phu My power complex in Ba Ria-Vung Tau. The new fields to be connected to the proposed pipeline are adjacent to the fields from which BP presently operates.

The question of BP’s future operations quickly became a contentious issue in Sino-Vietnamese relations. On April 10tth, Qin Gang, a spokesperson for the Chinese Ministry of Foreign Affairs, was directly asked by a reporter from the state-run media about BP’s proposed pipeline and Vietnam’s plan to hold voting for the National Assembly on its possessions in the South China Sea. Qin replied, ‘China has indisputable sovereignty over the Nansha Islands and their adjacent waters and neighbouring marine areas… Vietnam’s new actions, which infringe on China’s sovereignty, sovereign rights and administrative rights on the Nansha Islands, go against the important consensus reached by leaders of the two countries on the maritime issue and are not beneficial to stability of the South China Sea area.’[34] Qin noted that any one-sided action taken by any country in the South China Sea is ‘illegal and invalid’ constituting an encroachment upon Chinese territorial sovereignty.[35] Qin was also quoted as stating: ‘It is not beneficial to stability in the South China Sea area. The Chinese side is paying close attention and we have already made serious representations to the Vietnamese side.’[36]

By way of response, on April 11th, Le Dzung, a spokesperson for Vietnam’s Ministry of Foreign Affairs, stated that Vietnam has sufficient historical evidence and legal basis to confirm its sovereignty over the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands. Dzung said Vietnam’s operations conducted on its islands and territorial waters, including plot divisions, exploration and exploitation of oil and gas were ‘completely normal’. They were, he said, ‘in line with Vietnamese law as well as international laws and practices, particularly the 1982 United Nations Convention of the Law of the Sea and the 2002 Declaration of the Conduct of Parties in the East Sea.’[37] Dzung also noted that Vietnam’s partnership with BP dated to 2000 and ‘is within Vietnam’s exclusive economic area and continental shelf, and is within Vietnam’s sovereignty.’[38] The Lan Tay-Lan Do field has been producing natural gas for power generation since 2002.[39]

In April 2007, during the exchange of claims and counter-claims, Chinese naval vessels detained four Vietnamese fishing boats near Spratly islands and fined their crews (Office of the Secretary of Defense 2008: 11). And in June, as a result of Chinese pressure, BP announced it was halting seismic work off southern Vietnam until Sino-Vietnamese tensions subsided. Events took a turn for the worse on July 9, 2007 when an incident reportedly occurred between a People’s Liberation Army Navy vessel and Vietnamese fishing boats near the Paracels resulting in the sinking of one Vietnamese boat and the death of one Vietnamese fisherman (Office of the Secretary of Defense 2008: 11).[40]

At the end of the year, PLAN exercises in the Paracel Islands from November 16-23, 2007 provoked Vietnamese protests (Sutter and Huang 2007d). A Foreign Ministry spokesperson declared that the Chinese naval exercises violated Vietnamese sovereignty and ‘was not in line with the common perception’ and spirit reached by leaders at recent high-level discussions in Singapore. Vietnam reiterated its sovereignty over the Paracel and Spratly islands but also called for a peaceful resolution of differences. China’s Foreign Ministry responded by dismissing Vietnam’s statement as unreasonable and as usual claimed ‘irrefutable sovereignty’ over both archipelagoes.


No action was more inflammatory than the reported decision of the National People’s Congress to create Sansha city in Hainan province with administrative responsibility over three archipelagoes in the South China Sea, the Paracels, Spratlys and Zhongsa (Office of the Secretary of Defense 2008: 11 and Sutter and Huang 2007d).[41] Vietnam’s Foreign Ministry responded on December 4, 2007 by declaring the NPC’s actions an ‘encroachment’ on Vietnamese sovereignty. The NPC’s actions also provoked anti-China student demonstrations in Hanoi and Ho Chi Minh City on 9th and 16th December 2007.[42] China immediately protested. Vietnam’s Ministry of Foreign Affairs told China that the protests were spontaneous and not approved. ASEAN ambassadors were also called in and given the same message.

Early in the new year matters heated up when China accused twelve Vietnamese fishing boats of firing on ten Chinese trawlers in the Gulf of Tonkin on 7th January. Although there were no fatalities, several Chinese boats were hit by bullets. Vietnam dismissed Chinese allegations and replied that the incident was caused when fishing nets and tackles had become entangled.[43]
In order to diffuse growing tensions, Vietnam and China convened the second meeting of the China-Vietnam Steering Committee on Cooperation in Beijing from January 23-25, 2008 (Sutter and Huang 2008a).[44] Vietnam was represented by Pham Gia Khiem, Deputy Prime Minister and Minister of Foreign Affairs and China was represented by Tang Jiaxuan, State Councillor. Khiem also conferred with his counterpart Yang Jiechi. The Steering Committee discussed trade issues as well as ‘sensitive and important matters related to [the] bilateral relationship in a frank manner, including border and territorial issues’.[45] Both sides agreed to sign a treaty on land border management regulations in future and to carry out a number of projects in less sensitive areas such as oceanic research, crime prevention and control, environmental protections and a joint survey of the water area off the Gulf of Tonkin.[46] Finally, both sides agreed ‘not to further complicate the situation’ and to ‘properly handle problems in bilateral relations’ through ‘dialogue and consultations.’

The growing friction between China and Vietnam was addressed by a ‘summit meeting’ of communist party leaders who met in Beijing from May 30-June 2, 2008. A wide range of issues were discussed including trade and investment ties, science and technology cooperation and educational exchanges. The territorial dispute in the South China Sea was referred to obliquely in the official media as a problem ‘left over from history’. A commentary in Nhan Dan on 30th May, for example, mentioned in passing the ‘maintenance of stability in the East Sea’.
According to media accounts, at the summit, when Hu Jintao ‘suggested a proper solution to existing issues between the countries on the basis of friendly consultations and mutual benefit’, Nong Duc Manh replied that he shared Hu’s views and that ‘the two countries should communicate promptly about their concerns.’ The two leaders agreed ‘to build an exchange and co-operation mechanism between concerned agencies of the two Parties… and foster an effective co-operation mechanism between foreign ministries and agencies, national defence, public security and security forces’. The two party leaders also agreed that the most appropriate coordinating mechanism to handle their relations was the bilateral Steering Committee.[47]

A joint statement issued after official talks between the two party leaders declared that China and Vietnam would base future cooperation in the Gulf of Tonkin on agreements reached in 2004 demarcating claims and fishing rights. The two leaders pledged to continue joint naval patrols and to conduct a joint survey of waters outside the mouth of the Tonkin Gulf. Hu and Manh also agreed to complete the laying of land border markers by the end of the year. However the most significant development in the joint statement was the decision by China and Vietnam to raise bilateral relations to the level of a strategic partnership and to establish a hotline between party leaders.[48]

Immediately prior to Manh’s visit to Beijing commercial satellite imagery was released to the public confirming that China was building a major naval base on Hainan Island, The high-resolution satellite photographs showed major surface combatants as well as a single nuclear submarine were stationed there. Other satellite imagery of piers and docks indicated that the Sanya Naval Base had the potential to accommodate large surface combatants including assault ships.

The development of Sanya Naval Base was paralleled by China’s construction of an airfield at Woody Island in the Paracel islands, and consolidation of facilities at Fiery Cross Reef and the maintenance of a continuing naval presence at Mischief Reef both in the Spratly archipelago. In sum, China is rapidly acquiring an enhanced capability to exercise its sovereignty claims over the South China Sea and protect its vital Sea Lines of Communication (SLOC) through the Malacca and Singapore Straits through which much of its energy resources flow.

Other construction indicates that the Sanya Naval Base will have strategic implications for the balance of power in the region. Portions of the base are being built underground to provide facilities that cannot be easily monitored. Satellite imagery has confirmed the presence of a Chinese Type 094 Jin-class submarine since late 2007.[49] The Type-094 submarine is a second-generation nuclear vessel and represents China’s most lethal naval strike weapon. According to the U.S. Defense Department five more SSBNs could become operational by 2010. When the submarine facilities are completed they will provide China with the capability to station a substantial proportion of its submarine-based nuclear deterrence capabilities on Hainan. If China can develop the necessary operational skills its nuclear subs will be able to patrol and fire from concealed positions in deep waters off Hainan.

In August 2008, four Chinese-language websites carried an alleged Chinese plan to invade Vietnam. According to this document, ‘Vietnam… is a major threat to the safety of Chinese territories, and the biggest obstacle to the peaceful emergence of China’ and ‘Vietnam has to be conquered first’ if China wanted to exercise its traditional influence in the region.[50] In response, Vietnam twice summoned senior Chinese diplomats to its Foreign Ministry to voice concerns about the possible negative impact on bilateral relations and to request the removal of the offending document from Chinese web sites.[51]

Conclusion

For several years scholars have been engaged in an on-going debate about how states in the Asia-Pacific Region are responding to China’s rise. Generally, five major strategies have been identified: balancing, hedging, bandwagoning, engagement and omni-enmeshment (Kang 2003 and 2003/04, Acharya 2003/04, Roy 2005, Vuving 2005, Womack 2006 and Goh 2007/08).

There are two forms of balancing (Roy 2005). The first is external and involves collaboration by two or more states against a potential adversary. The second form is internal and involves developing defence self-reliance and national cohesion. Hedging is a general strategy and refers to keeping more than one option open. For example, a state may pursue a strategy of engagement while hedging at the same time. There are two forms of bandwagoning. The first involves alignment with potential adversary in order to ward off possible coercive measures. The second form of bandwagoning involves seeking economic gain by being on the ‘winning side’.

The strategy of engagement refers to opening up multifaceted relations with another state in the expectation that the rewards of such a relationship will result in reciprocity and maintenance of the status quo. According to Roy engagement is a strategy whereby a state uses inclusion and rewards to attempt to socialize a dissatisfied power into accepting the rules and institutions of the pre-existing international order’ (2005: 306) Finally, the strategy of omni-enmeshment refers ‘to the process of engaging with a state so as to draw it into deep involvement in international or regional society, enveloping it in a web of sustained exchanges and relationships, with the long-term aim of integration’ (Goh 2007/08” 120-121).

Vietnam has been put between a rock and a hard place over Chinese assertiveness in the South China Sea in 2007-08. In terms of public diplomacy, China has repeatedly offered to observe the DOC and to settle outstanding matters peacefully. Yet in private China continues to exert diplomatic and military pressure on Vietnam to acquiesce to Chinese sovereignty claims in the South China Sea. Chinese pressures on international companies to cease assisting Vietnam in the development of off-shore oil and gas resources threatens to scuttle Vietnamese plans to develop its maritime area. In the face of these challenges what strategy is Vietnam pursuing?

The data in this paper clearly demonstrates that Vietnam is not pursuing a balance of power strategy in relation to China’s rise. Neither is Vietnam bandwagoning with China in an effort to ward of possible coercion or to gain economic advantage. According to the then deputy head of the National Assembly’s External Relations Committee, Ton Nu Thi Ninh, ‘everyone knows that we have to keep a fine balance‘ neither ‘leaning over’ toward the United States or ‘bow[ing]’ to China.[52] There is evidence, not discussed in this paper, that Vietnam is pursuing a strategy of internal balancing by a modest effort to modernize its military forces and by maintaining national unity (Thayer 2008b and 2008c).

Vietnam appears to be pursuing a mix of engagement, omni-enmeshment and hedging strategies towards China. Vietnam pursues engagement primarily in its bilateral relations with China under the terms of the long-term cooperative framework agreement of 2000. Vietnam has attempted to manage and codify its relations with China through understandings reached at regular high-level meetings between party secretary generals and state presidents. Bilateral relations are broken down into issue areas and dealt with through joint working groups at expert, government and ministerial levels. These structures have resulted in a land border treaty, a treaty delimiting the Gulf of Tonkin and an agreement on fisheries cooperation. When the laying of the land border markers is completed this will represent a major confidence-building measure.

Vietnam also pursues a strategy of omni-enmeshment through membership in ASEAN and the Greater Mekong Subregion. China is one of ASEAN’s dialogue partners. ASEAN and China have institutionalized their relations through a strategic partnership involving annual summit meetings of heads of state/government, the ASEAN-China Joint Cooperation Committee, ASEAN-China Senior Officials Meeting process, ASEAN-China political-security consultations, ASEAN-China Joint Working Group on the South China Sea and other mechanisms. ASEAN and China are presently pursuing a Free Trade Area.

ASEAN is also the core of other regional multilateral organizations such as the ARF that serve to manage relations with China. The Greater Mekong Subregion and the Mekong River Commission are weak institutional reeds in comparison to ASEAN or the ARF. China is not represented at the central government level but by Yunnan province and Guangxi Zhuang Autonomous Region. Nevertheless, the GMS structure has provided a very important framework that facilitates extensive cross-border economic relations and infrastructural development. ASEAN and China have agreed to undertake joint action to develop the GMS. China is not a formal member of the MRC but has become a dialogue partner thus opening up another area for Vietnam to pursue relations with China through multilateral structures.

-------------------------------------------------------------------------------------------------


  1. Select Bibliography
    Acharya, Amitav 2003/04. ‘Will Asia’s Past Be Its Future?’, International Security, 28:3, 149-164.
    Amer, Ramses, 2004a. ‘Assessing Sino-Vietnamese Relations through the Management of Contentious Issues’, Contemporary Southeast Asia, 26(2), 320-345.
    _____, 2004b. ‘Vietnam’s Border Disputes – Assessing the Impact on Vietnam’s Sovereignty and its Regional Integration’, Paper to conference on Vietnam’s Integration into the World and State Sovereignty Issues, co-organized the Centre d’Études et de Recherches Internationales and Centre Asie-Europe, Sciences Po and and le École des Hautes Etudes en Sciences Sociales, Paris, October 25.
    _____, 2008. ‘Vietnam and China – Challenges for the Current Relationship’, Paper delivered to EuroViet 6, sponsored by the Asien-Afrika Institüt, Universität Hamburg, Hamburg, Germany, June 6-8, 2008.
    Amer, Ramses and Nguyen Hong Thao, 2005. ‘The Management of Vietnam’s Border Disputes: What Impact on Its Sovereignty and Regional Integration?’, Contemporary Southeast Asia, 27(3,) 429-452.
    _____, 2007a.”The Management of Vietnam’s Maritime Boundary Disputes’, Ocean Development and International Law, 38(3), 305-324.
    _____, 2007b. ‘Vietnam’s Border Disputes – Assessing the Impact on Its Regional Integration’, in Stéphanie Balme and Mark Sidel, eds., Vietnam’s New Order: International Perspectives on the State and Reform in Vietnam. Basingstoke: Palgrave Macmillan, 2007. 71-87.
    _____, 2008. ‘Vietnam’s Settlement of Border Disputes – Reviewing the Progress Made and Assessing Remaining Challenges,’ Paper delivered to EuroViet 6, sponsored by the Asien-Afrika Institüt, Universität Hamburg, Hamburg, Germany, June 6-8, 2008.
    Ba, Alice d. 2006. ‘Who’s socializing whom? Complex engagement in Sino-ASEAN relations’, The Pacific Review, 19(2), 157-179.
    Breckon, Lyall 2003a. ‘A New Strategic Partnership is Declared’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 5(4), 4th Quarter.
    _____, 2003b. ‘SARS and a New Security Initiative from China’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 5(2), 2nd Quarter.
    Brailey, Malcolm, 2004. ‘Vietnam’s Defence Policy: Combining Tradition with Transformation’, IDSS Commentaries, 12/2004, 1-3.
    Buntaine, Mark T., 2007. ‘Regional Integration, Fragmentation, and Cooperative Environmental Governance in the Lancang-Mekong River Basin‘, Paper presented to the Conference on the Human Dimensions of Global Environmental Change, Amsterdam, The Netherlands.
    Crane, Keith, Roger Cliff, Evan Medeiros, James Mulvenon and William Overholt, 2005. Modernizing China’s Military: Opportunities and Constraints. Santa Monica: RAND Project Air Force.
    Dillon, Dana R. and John J. Tkacik, Jr., 2005. ‘China and ASEAN: Endangered American Primacy in Southeast Asia’, Backgrounder No. 1886. Washington, D.C.: The Heritage Foundation, October 19.
    Elliott, David W. P., 1999. ‘Vietnam: Tradition Under Challenge’, in Ken Booth and Russell Trood, eds., Strategic Cultures in the Asia-Pacific Region. New York: St. Martin’s Press. 111-145.
    Frost, Frank 1993. Vietnam’s Foreign Relations: Dynamics of Change. Pacific Strategic Papers No. 6. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.
    Frost, Frank 2005. Directions in China’s Foreign Relations – Implications for East Asia and Australia. Research Brief, Canberra: Department of Parliamentary Services, Parliament of Australia.
    Goh, Evelyn 2007. Developing The Mekong: Regionalism and Regional Security in China-Southeast Asian Relations. Adelphi Paper 387. Milton Park: Routledge.
    _____, 2007/2008. ‘Great Powers and Hierarchical Order in Southeast Asia’, International Security, 32(3), 113-157.
    Goldstein, Avery 2005. Rising to the Challenge: China’s Grand Strategy and International Security. Stanford: Stanford University Press.
    Gu Xiaosong and Brantly Womack, 2000. ‘Border Cooperation Between China and Vietnam in the 1980s’, Asian Survey, 40(6), 1042-1058.
    Haacke, Jürgen 2005. ‘The Significance of Beijing’s Bilateral Relations: Looking ”Below” the Regional Level in China-ASEAN Ties’, in Ho Khai Leong and Samuel C. Y. Ku, eds., China and Southeast Asia: Global Changes and Regional Challenges. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies. 118-140.
    Hoang Anh Tuan, 1994. ‘Vietnam’s Membership in ASEAN: Economic, Political and Security Implications,’ Contemporary Southeast Asia, 16(3), 259-274.
    Kang, David, 2007. China Rising: Peace, Power, and Order in East Asia. Ithaca: Cornell University Press.
    ____, 2003. ‘Getting Asia Wrong: The Need for New Analytical Frameworks’, International Security, 27(4), 57-85.
    _____, 2003/04. ‘Hierarchy, Balancing, and Empirical Puzzles in Asian International Relations’, International Security, 28(3), 165-180.
    Kenny, Henry, 2002. Shadow of the Dragon: Vietnam’s Continuing Struggle with China and the Implications for U.S. Foreign Policy, Washington, DC: Brassey’s.
    Liao, Shaolian, 2004. ‘China-Vietnam Border Trade: Problems and Government Policies’, Paper to conference on Vietnam’s Integration into the World and State Sovereignty Issues, co-organized the Centre d’Études et de Recherches Internationales and Centre Asie-Europe, Sciences Po and and le École des Hautes Etudes en Sciences Sociales, Paris, October 25.
    Luu Van Loi, 1995. Cuoc Tranh Chap Viet-Trung ve Hai Quan Dao Hoang Sa va Truong Sa. Hanoi: Nha Xuat Ban Cong An Nhan Dan.
    Menniken, Timo 2007. ‘China’s Performance in International Resource Politics: Lessons from the Mekong’, Contemporary Southeast Asia, 29(1), 97-120.
    Montaperto, Ronald 2004a. ‘Smoothing the Wrinkles’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 6(2), 2nd Quarter.
    _____, 2004b. ‘Thinking Globally, Acting Regionally’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 6(4), 4th Quarter.
    _____, 2005a. ‘Assurance and Reassurance’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 7(1), 1st Quarter.
    _____, 2005b. ‘Dancing with China (In a Psyche of Adaptability, Adjustment, and Cooperation)’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 7(2), 2nd Quarter.
    _____, 2005c. ‘Building Integration?’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 7(3), 3rd Quarter.
    Nguyen Hong Thao, 2001. ‘Vietnam and the Code of Conduct for the South China Sea‘, Ocean Development & International Law, 32, 105-130.
    _____, 2003. ‘The 2002 Declaration of the Conduct of Parties in the South China Sea: A Note‘, Ocean Development & International Law, 34, 279-285.
    _____, 2005. ‘Maritime Delimitation and Fishery Cooperation in the Tonkin Gulf’, Ocean Development & International Law, 36, 25-44.
    Nguyen Bao and Doan Cong Khanh 2008. ‘Quan He Thuong Mai Viet Nam-Trung Quoc: Mot Chang Duong Nhin Lai’, Tap Chi Cong San, 789, 103-108.
    Nguyen Duc Tuyen, 2008. ‘Ve Suc Manh Mem cut Truong Quoc o Chau A’, Nghien Cuu Quoc Te, 1(72), 68-76.
    Nguyen Phuong Binh, 1994. ‘Sources of Instability in Southeast Asia: Two Case-Study of Cambodia and the Spratlys Islands’, in Asia-Pacific and Vietnam-Japan Relations. Hanoi: Institute for International Relations, 1994. 34-38.
    O’Dowd, Edward and Lewis M. Stern, 2005. ‘Paper Dragons: Chinese and Vietnamese Views of the Asian Security Situation’, Unpublished manuscript, 10 April.
    Office of the Secretary of Defense, 2008. Annual Report to Congress: Military Power of the People’s Republic of China 2008. Washington, D.C.: Department of Defense.
    Osborne, Milton 2004. River at Risk: The Mekong and the Water Politics of China and Southeast Asia. Lowy Paper No. 2. Sydney: Lowy Institute for International Policy.
    http://www.lowyinstitute.org/Publication.asp?pid=160
    _____, 2006. The Paramount Power: China and the Countries of Southeast Asia. Lowy Institute Paper 11. Sydney: Lowy Institute for International Policy.
    _____, 2007. The Water Politics of China and Southeast Asia II. Rivers, Dams, Cargo Boats and the Environment. Sydney: Lowy Institute for International Policy.
    http://www.lowyinstitute.org/Publication.asp?pid=589
    Palmujiki, Eero, 1997. Vietnam and the World: Marxist-Leninist Doctrine and the Changes in International Relations, 1975-93. New York: St. Martin’s Press.
    _____, 2004. ‘Vietnam’s Integration into the World: National and Global Interfaces’, Paper to conference on Vietnam’s Integration into the World and State Sovereignty Issues, co-organized the Centre d’Études et de Recherches Internationales and Centre Asie-Europe, Sciences Po and and le École des Hautes Etudes en Sciences Sociales, Paris, October 25.
    People’s Republic of China, 2001. China’s National Defense in 2000. Beijing: State Council, Information Office.
    _____, 2002. China’s National Defense in 2002. Beijing: State Council Information Office.
    _____, 2004. China’s National Defense in 2004. Beijing: State Council Information Office.
    _____, 2006. China’s National Defense in 2006. Beijing: State Council Information Office.
    _____, 2005. White Paper: China’s Peaceful Development Road. Beijing: State Council Information Office.
    Percival, Bronson 2007. The Dragon Looks South: China and Southeast Asia in the New Century. Westport: Praeger Security International.
    Pham Van Tra, 2005. ‘Vietnam: Building and Sustaining People’s Defense’, Joint Forces Quarterly, 1st Quarter, 36, 97-101.
    Roy, Denny 2005. ‘Southeast Asia and China: Balancing or Bandwagoning?’, Contemporary Southeast Asia, 27(2), 305-322.
    Socialist Republic of Vietnam, 1998. Vietnam: Consolidating National Defence, Safeguarding the Homeland. Hanoi: Ministry of [National] Defence.
    _______, 2004. Vietnam’s National Defense in the Early Years of the 21st Century. Hanoi: Ministry of [National] Defense.
    Storey, Ian James and Carlyle A. Thayer, 2001a. ‘Cam Ranh Bay: Past Imperfect, Future Conditional’, Contemporary Southeast Asia, 23(3), 452-473.
    _____, 2001b. ‘Scramble for Cam Ranh Bay as Russia prepares to withdraw’, Jane’s Intelligence Review, 34-37.
    Sutter, Robert 2005. ‘Emphasizing the Positive; Continued Wariness’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 7(4), 4th Quarter.
    _____, 2006. ‘Progress with Limitations’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 8(1), 1st Quarter.
    Sutter, Robert and Chin-Hao Huang, 2006a. ‘Military Diplomacy and China’s Soft Power’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 8(2), 2nd Quarter.
    _____, 2006b, ‘Chinese Diplomacy and Optimism about ASEAN’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 8(3), 3rd Quarter.
    _____, 2006c. ‘Summitry at Home and Abroad’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 8(4), 4th Quarter.
    _____, 2007a. ‘Cebu Meetings, UN Veto on Myanmar’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 9(1), 1st Quarter.
    _____, 2007b. ‘China’s Activism Faces Persistent Challenges’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 9(2), 2nd Quarter.
    _____, 2007c. ‘Myanmar Challenges China’s Successes’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 9(3), 3rd Quarter.
    _____, 2007d. ‘Singapore Summits, Harmony, and Challenges’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 9(4), 4th Quarter.
    _____, 2008a. ‘Incremental Progress without Fanfare’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 10(1), 1st Quarter.
    _____, 2008b. ‘Cyclone, Earthquake Put Spotlight on China’, Comparative Connections: An E-Journal on East Asian Bilateral Relations, 10(2), 2nd Quarter.
    Thayer, Carlyle A., 1994a. The Vietnam People’s Army Under Doi Moi. Pacific Strategic Paper no. 7, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.
    _____, 1995b. ‘Vietnam’s Strategic Readjustment’, in Stuart Harris and Gary Klintworth, eds., China as a Great Power: Myths, Realities and Challenges in the Asia-Pacific Region. New York: St. Martin’s Press, 1995. 185-201.
    _____, 1997a. ‘Force Modernization: The Case of the Vietnam People’s Army’, in Contemporary South East Asia. 19(1), 1-28.
    _____, 1997b. ‘International Relations and Security: A Rapid Overview of a Decade of Doi Moi‘, in Adam Fforde, ed., Doi Moi Ten Years after the 1986 Party Congress. Political and Social Change Monograph 24, Canberra: Department of Political and Social Change, Research School of Pacific and Asian Studies, The Australian National University. 25-46.
    _____, 1999. ‘Vietnamese Foreign Policy: Multilateralism and the Threat of Peaceful Evolution’, in Carlyle A. Thayer and Ramses Amer, eds., Vietnamese Foreign Policy in Transition. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies. 1-24.
    _____. 2000a. ‘China-ASEAN: Tensions Promote Discussions on a Code of Conduct‘, Comparative Connections: A Quarterly E-Journal on East Asian Bilateral Relations [Honolulu: Pacific Forum-CSIS], 2(1), 1st Quarter, 51-60.
    _____, 2001b. ‘Vietnam's Integration into the Region and the Asian Financial Crisis‘, in Martin Großheim and J. H. Vincent Houben, eds., Vietnam, Regional Integration and the Asian Financial Crisis: Vietnamese and European Perspectives. Passau Contributions to Southeast Asian Studies 9, Passau: Department of Southeast Asian Studies, University of Passau. 17-53.
    _____, 2002. ‘Vietnamese Perspectives of the ”China Threat’’’, in Herbert Yee and Ian James Storey, eds., The China Threat: Perceptions, Myths and Reality. London: RoutledgeCurzon Taylor & Francis Group. 265-287.
    _____, 2003a. ‘China’s ‘New Security Concept’ and Southeast Asia‘, in David W. Lovell, ed., Asia-Pacific Security: Policy Challenges. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies and Canberra: Asia Pacific Press. 89-107.
    _____, 2007a. ‘China’s International Security Cooperation with Southeast Asia’, Australian Defence Force Journal. No. 172, 2007. 16-32.
    _____, 2007b. ‘Vietnam’s Regional Integration: Domestic and External Challenges to State Sovereignty’, in Stephanie Balme and Mark Sidel, eds., Vietnam’s New Order: International Perspectives on the State and Reform in Vietnam. London: Palgrave Macmillan, 2007. 31-50.
    _____, 2008a. ‘Southeast Asian Reactions to China’s Peaceful Development Doctrine: Indonesia, the Philippines, and Thailand’, NBR Analysis [Seattle: The National Bureau of Asian Research] 18(5), April, 5-14.
    _____, 2008b. ‘Vietnam’s Defence Policy and its Impact on Foreign Relations’, Paper delivered to EuroViet 6, Asien-Afrika Institüt, Universität Hamburg, Hamburg, Germany, June 6-8.
    _____, 2008c ‘Vietnam People’s Army: Development and Modernization’, Presentation to Sultan Haji Bolkiah Institute of Defence and Strategic Studies, Ministry of Defence, Bolkiah Garrison, Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam, July 24.
    _____, forthcoming. ‘China and Southeast Asia: A Shifting Zone of Interaction’, in Sean McDonald and Bruce Vaughn, eds., The Borderlands of Southeast Asia: Geopolitics, Terrorism, and Globalization. Boulder: Rowman and Littlefield.
    Thayer, Carlyle A., and Ramses Amer eds., Vietnamese Foreign Policy in Transition. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.
    Vuving, Alexander, 2005. ‘Vietnam’s Conduct of its Relation with China: Balancing, Bandwagoning, Accepting Hierarchy, or a Fourth Configuration?’, Paper to the conference Vietnam as an Actor on the International Stage, School of Advanced International Studies, Johns Hopkins University, Washington, D.C., April 29.
    ________, 2006a. ‘Strategy and Evolution of Vietnam’s China Policy: A Changing Mixture of Pathways’, Asian Survey, 46(6), 805-824.
    _______, 2006b. ‘Strategy and Evolution of Vietnam’s China Policy After the Cold War’, Paper to the panel Southeast Asia and China: A North-South Relationship of a New Kind, 47th Annual Convention, International Studies Association, Town & Country Resort and Convention Center, San Diego, California, March 25, 2006.
    _______, 2008. ‘Vietnam: Arriving in the World – and at a Crossroads’, in Daljit Singh and Tin Maung Maung Than, eds., Southeast Asian Affairs 2008. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 375-393.
    ______, forthcoming. ‘Grand Strategic Fit and Power Shift: Explaining Turning Points in Vietnam’s China Relations’, in Shiping Tang and Li Mingjiang, eds. Living With China: Dynamic Interactions between Regional States and China. Berkeley: University of California Press.
    ______, forthcoming. ‘Operated by World Views and Interfaced by World Order: Traditional and Modern Sino-Vietnamese Relations’, in Anthony Reid and Zheng Yangwen, eds., Negotiating Asymmetry: China’s Place in Asia. Singapore: Singapore University Press.
    Womack, Brantly, 1994. ‘Sino-Vietnamese Border Trade: The Edge of Normalization’, Asian Survey, 34(6), 495-512.
    Womack, Brantly, 2006. China and Vietnam: The Politics of Asymmetry. New York: Cambridge University Press.
    You, Peter Kien-Hong 2007. ‘Setting Up International (Adversary) Regimes in the South China Sea: Analyzing the Obstacles from a Chinese Perspective’, Ocean Development & International Law, 38, 147-156.
    Zhang, Jian 2007. ‘Building ‘a harmonious world’? Chinese perceptions of regional order and implications for Australia’, Strategic Insights 35. Canberra: Australian Strategic Policy Institute.
    Zou Keyuan, 1999. ‘Maritime Boundary Delimitation in the Gulf of Tonkin’, Ocean Development & International Law, 30, 235-254.
    _____, 2001. ‘Historic Rights in International Law and China’s Practice’, Ocean Development & International Law, 32, 149-168.
    ______, 2005. ‘The Sino-Vietnamese Agreement on Maritime Boundary Delimitation in the Gulf of Tonkin’, Ocean Development & International Law, 36, 13-24.
    *Professor of Politics, School of Humanities and Social Sciences, University College, The University of New South Wales at the Australian Defence Force Academy, Canberra. Professor Thayer is currently on leave as Visiting Fellow at the Strategic and Defence Studies Centre, The Australian National University. He may be contacted at: c.thayer@adfa.edu.au. Completed September 29, 2008.
    [1]Xinhua Domestic Service, February 27, 1999.
    [2]Vietnam News Agency, December 25, 2000.
    [3]These arrangements were variously titled: framework agreement, framework document, joint statement and joint declaration. For a detailed analysis consult: Thayer 2003a. For recent overviews of China’s bilateral relations with Southeast Asia consult: Haacke 2005 and Percival 2007.
    [4]China already conducts defence security consultations with Thailand and the Philippines.
    [5]‘China, Vietnam issue joint communiqué,’ People’s Daily Online, July 21, 2005..
    [6]Jane’s Defense Weekly, January 4, 2006, on line edition. China’s state-owned armed supplier, NORINCO, was reported to have sold small arms ammunition artillery shells, and military vehicles to Vietnam. NORINCO was also reported to be assisting Vietnam in the co-production of ammunition and heavy machine guns.
    [7]Nhan Dan, April 8, 2006.
    [8]Xinhua August 9, 2006.
    [9]Xinhua, August24, 2006. China had earlier provided funds for the construction of the 300 MW Cam Pha thermal Power Plant.
    [10]‘China-Vietnam Joint Communiqué’, Beijing, August 24, 2006.
    [11]Vietnam News Service, October 25, 2006.
    [12]VNA, October 31, 2006.
    [13]Xinhua, November 1, 2006 and VNA, November 1, 2006.
    [14]The two corridors consist of transport routes from Nanning to Lang Son-Hanoi-Hai Phong and Kunming-Lao Cai-Hanoi-Hai Phong. The circle (or belt) refers to the joint development of the Gulf of Tonkin. IN September 2008, the Asian Development Bank agreed to provide US $1.1 billion to build a 244 kilometre highway linking Hanoi with Kunming. This is the most expensive project to be funded by the ADB.
    [15]The two ministers also agreed to continue to address differences over the South China Sea.
    [16]‘Vietnam, China enhance border defence cooperation,’Vietnam.net, November 9, 2007.
    [17]Joint Press Release, ‘The First ASEAN-China Joint Cooperation Committee Meeting’, Beijing, February 26-28, 1997.
    [18]Joint Statement of the Meeting of Heads of State/Government of the Member States of ASEAN and the President of the People’s Republic of China, December 16, 1997.
    [19]The MOU followed a special meeting held in Bangkok in April 2003 to discuss joint action to deal with the Severe Acute Respiratory Syndrome (SARS) epidemic. In September 2004, China hosted the ARF Workshop on Drug-Substitute Alternative Development and in March 2005, China hosted an ARF seminar on enhancing cooperation in the field of non-traditional security issues.
    [20]Joint Declaration of the Heads of State/Government of the Association of Southeast Asian Nations and the People’s Republic of China on Strategic Partnership for Peace and Prosperity, October 8, 2003. For an analysis consult: Breckon 2003a.
    [21]Plan of Action to Implement the Joint Declaration of ASEAN-China Strategic Partnership for Peace and Prosperity.
    [22]In 2007, however, Indonesia proposed seeking technical assistance from both China and Japan on an ASEAN-wide and bilateral basis to build up the capacity of the littoral states; see Shefall Rekhi, ‘Indonesia seeks wider China and Japan role’, The Straits Times, June 4, 2007.
    [23]“Tripartite agreement on joint survey of seismic activity in East Sea signed’, Vietnam News Agency, March 14, 2005 and Ma. Theresa Torres and Niel Villegas Mugas, ‘RP, China, Vietnam to explore Spratlys’, The Manila Times, March 16, 2005. Premier Weh Jiabao and Prime Minister Phan Van Khai held sidelilne discussions at the 2nd GMS Summit in July 2005 and agreed to work more closely with the Philippies to implement the joint agreement; ‘China, Vietnam agree to joint exploration of disputed areas’, Xinhua, Beijing, July 4, 2005; and ‘China, Philippines, Vietnam work on disputed South China Sea area’, Xinhua, August 27, 2005. This agreement lapsed in 2008.
    [24]Xinhuanet, Beijing, July 19, 2005 in People’s Liberation Army Daily, July 20, 2005.
    [25]Agence France-Presse, ‘Philippines, China, Vietnam to cooperate in Spratlys security’, Channelnewsasia.com, May 19, 2006.
    [26]The third annual Pan-Beibu Gulf economic cooperation forum was held in Beihai, Guangxi in July 2008. It was attended by delegates from Brunei, China, Indonesia, Malaysia, the Philippines, Singapore, Thailand and Vietnam. The first two forums were held in Nanning, Guangxi in 2006 and 2007.
    [27]Xinhua News Agency, September 6, 2000.
    [28]The current MRC had its origins in the Mekong Committee formed in 1957. In 1975 Cambodia (Khmer Rouge regime) withdrew and an Interim Mekong Committee (IMC) was created in 1978. After the settlement of the Cambodian conflict in 1991, Cambodia rejoined and the IMC became the Mekong River Commission. Current membership includes Cambodia, Laos, Thailand and Vietnam but not China and Myanmar. In 1995 a dialogue mechanism was created for MRC discussions with China and Myanmar.
    [29]Zhai Kun, ‘Harmony through East Asia Friendship,’ China Daily, November 19, 2007.
    [30]The line of equidistance had to be modified in order to take into account the effect of islands, such as Vietnam’s Bach Long Vi.
    [31]‘Joint Statement Between China and Vietnam,’ People’s Republic of China, Ministry of Foreign Affairs, June 1, 2008.
    [32]Greg Torode, ‘Tussle for oil in the South China Sea’, South China Morning Post, July 20, 2008.
    [33]Dong Ha, ‘BP, PetroVietnam rearrange gas pipeline overhauls plan’, Thanh Nien, March 14, 2007
    [34]Xinhua, People’s Daily Online, April 10, 2007; for a slightly different rendition consult Reuters, ‘Vietnam stirring trouble with gas pipe plan – China’, April 10, 2007.
    [35]Xinhua, People’s Daily Online, April 10, 2007.
    [36]Quoted by Reuters, April 10, 2007. Qin Gang’s remarks were carried by the Shanghai Daily and The China Daily on April 11, 2007.
    [37]Thong Tan Xa Viet Nam, Thanh Nien, April 12, 2007.
    [38]Thanh Nien, April 12, 2007.
    [39]This area is separate from the area where the national oil companies China, the Philippines and Vietnam conducted joint seismic exploration; Voice of Vietnam, April 12, 2007.
    [40]Neither China nor Vietnam has provided a public account of this incident. It is unlikely that Vietnam People’s Army naval vessels were involved in this incident. But it is highly possible that fishing vessels that form part of local security forces could have been involved. There is a real grey area concerning local self-defence forces and militia. It is even more likely that armed Vietnamese fishermen were involved. China typically embellishes incidents to suits its purposes and its use of the expression ‘armed vessels’ is an example of such calculated ambiguity.
    [41]Mingpao [Hong Kong], November 19, 2007 quoting an official of the Wenchang Propaganda Department, Hainan. Later another official on Hainan denied that this issue was on the NPC’s agenda, ‘Plan to designate islands a city denied,’ South China Morning Post, December 19 2007.
    [42]Agence France-Presse, Hanoi, December 15, 2007.
    [43]Roger Mitton, ‘Viet Minister Off to Beijing to Mend Fences,’ The Straits Times, January 23, 2008.
    [44]The Vietnamese delegation included Deputy Minister of Defence Nguyen Huy Hieu who met separately with members of the Committee of Science, Technology and Industry, Ministry of Defence Hieu expressed an interest in deepening cooperation in personnel training, frontier and coastal defence and ‘other fields’.
    [45]Deputy Foreign Minister Vu Dung, ‘Boosting Vietnam-China ties for mutual benefits’, VietNamNet Bridge, January 30, 2008. Dung is the general secretary for Vietnam on the Steering Committee.
    [46]Vietnam News Agency, January 23, 2008.
    [47]Hu also pressed his Vietnamese counterpart to agree on a five-year blueprint on trade cooperation. Both leaders witnessed the signing of agreements on veterinary and animal quarantine and plant protection and plant quarantine, and a credit contract for a nitrogenous fertilizer plant in Ninh Binh province.
    [48]‘Full text of China-Vietnam Joint Statement, Xinhua, June 1, 2008. Vietnam has strategic partnerships with Russia, India and Japan and ‘strategic relations’ with France. Vietnam and the United States have both mentioned raising their bilateral relations to the strategic level.
    [49]The presence of a nuclear submarine, and potential future deployments, calls into question China’s ability to sign the Treaty on the Southeast Asia Nuclear-Weapon Free Zone in good faith.
    [50]‘Invade Vietnam: Plan A’, English-language translation of the ‘thirty-one day invasion plan’ posted on Chinese websites. I am grateful to Greg Torode for providing a copy of this document.
    [51]Greg Torode, ‘Vietnam Protests Over Chinese ”Invasion Plans”’, South China Morning Post, September 5, 2008, Jonathan Adams, ‘Vietnam protests hawkish Chinese Web postings’, The Christian Science Monitor, September 10, 2008 and Rowan Callick, ‘China’s netizens menace Vietnam’, The Australian, September 11, 2008.
    [52]Quoted by Jane Perlez, ‘U.S. competes with China for Vietnam’s allegiance”, International Herald Tribune, 19 June 2006.